Văn học Việt Nam gồm mấy bộ phận?
Văn học Việt Nam gồm hai bộ phận là văn học dân gian và văn học viết. Hai bộ phận này đều mang những đặc điểm truyền thống của văn học Việt Nam (tinh thần yêu nước chống xâm lược, tinh thần nhân văn, đề cao đạo lý, nhân nghĩa). Tuy nhiên hai bộ phận cũng có những đặc trưng riêng.
Văn học dân gian
– Đặc trưng của văn học dân gian:
+ Ra đời từ rất sớm, khi con người chưa có chữ viết. Là tiếng nói tình cảm, kết tinh trí tuệ chung của nhân dân được truyền từ đời này sang đời khác.
+ Mang tính tập thể, tính truyền miệng, tính thực hành.
+ Là cuốn “Bách khoa toàn thư” của cuộc sống lao động và tình cảm của nhân dân, có giá trị nhiều mặt.
+ Là một bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc, là cơ sở, nền tảng cho văn học viết hình thành và phát triển.
– Các thể loại của văn học dân gian:
+ Các thể loại chính gồm thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, truyện thơ… các loại hình diễn xướng như chèo, tuồng, dân ca…
Văn học viết
Khái niệm: Văn học viết là văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại) và văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay (văn học hiện đại).
– Văn học viết ra đời khi đã có chữ viết, được lưu giữ bằng văn tự (chữ viết).
– Là những sáng tác của cá nhân nên mang dấu ấn phong cách của từng tác giả.
– Tuy ra đời muộn (khoảng thế kỷ X), song văn học viết trở thành bộ phận văn học chủ đạo, giữ vị trí thống trị trong nền văn học nước nhà.