Văn học Việt Nam gồm hai bộ phận là văn học dân gian và văn học viết. Khi chưa có chữ viết, nền văn học Việt Nam chỉ có văn học dân gian. Khi có chữ viết, nền văn học Việt Nam mới bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc.
Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng được tập thể sáng tạo, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
Văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới có những thể loại chung và riêng hợp thành một hệ thống. Mỗi thể loại phản ánh cuộc sống theo những nội dung và cách thức riêng. Hệ thống văn học dân gian Việt Nam gồm có: sử thi, truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, thơ, chèo…
Văn học viết là các sáng tác bằng chữ viết, mang dấu ấn riêng của tác giả. Văn học viết chịu ảnh hưởng của văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Văn học viết cũng có tác động trở lại đối với văn học dân gian trên một số phương diện. Mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học viết cũng như vai trò, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học thể hiện trọn vẹn hơn cả ở lĩnh vực sáng tác và ở bộ phận thơ văn quốc âm.
Văn học viết là văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại) và văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay (văn học hiện đại). Sau hơn 10 thế kỷ hình thành và phát triển, văn học viết Việt Nam đạt được những thành tựu nhất định và vẫn đang tiếp tục “dòng chảy” của mình để có thể hội nhập vào nền văn học chung của thế giới.