Nhà khoa học Trần Đại Nghĩa

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Mồ côi cha lúc 6 tuổi, mẹ và chị gái đã tần tảo nuôi ăn học, Phạm Quang Lễ luôn ghi nhớ lời căn dặn cuối cùng của cha trước khi đi xa: “…phải lo học hành đến nơi đến chốn,… phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”. Giữa năm 1933, người thanh niên thông minh giàu nghị lực Phạm Quang Lễ đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài ta và tú tài tây. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền đi Hà Nội để học tiếp, Phạm Quang Lễ quyết định đi làm để giúp mẹ, giúp chị và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ.

Năm 1935, ông đi du học Pháp và sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng một lúc ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học. Sau đó lấy tiếp bằng Kỹ sư hàng không, bằng của Trường Mỏ và Trường Đại học Bách Khoa.

Năm 1946, Phạm Quang Lễ theo Bác Hồ trở về Tổ quốc sau hơn 11 năm du học. Và cái tên Trần Đại Nghĩa mà Bác Hồ đặt cho ông năm đó, là cái tên đã đưa ông đi vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam.

Được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ, trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới, Trần Đại Nghĩa đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ góp phần quan trọng để quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Từ Thứ trưởng Bộ Công thương rồi Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, dù ở cương vị nào Ông cũng hoàn thành công việc được giao một cách xuất sắc và lại tiếp tục được cử giữ nhiều trọng trách mới: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Hoà bình lập lại (1975), Ông đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam rồi Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã qua Hiệu trưởng đầu tiên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam, Cố vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Đại biểu quốc hội khoá II, III.

Mỗi chặng đường công tác thành công của ông đều được ghi nhận bằng những huân chương và giải thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lao động (một trong bảy Anh hùng lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1952), Huân chương kháng chiến, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh và còn được bầu là Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (trước đây). Là một nhà quân sự tài ba, Ông được phong quân hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên năm 1948.

Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận – TP. Hồ Chí Minh. Với những cống hiến cho đất nước, với một nhân cách lớn và lý tưởng sống cao đẹp, GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã để lại sau lưng mình cả một huyền thoại.