Điểm sàn và điểm chuẩn chênh lệch bao nhiêu?

Điểm sàn và điểm chuẩn khác nhau chỗ nào?

Điểm sàn là mức điểm quy định mà bộ GD&ĐT công bố dành cho từng khối và từng bậc đào tạo. Các trường đại học, cao đẳng không được tuyển thí sinh vào học mà có tổng điểm thấp hơn điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

Điểm chuẩn là điểm trúng tuyển vào từng ngành học (do trường đại học, cao đẳng quyết định). Thí sinh có điếm thi lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn sẽ trúng tuyển vào ngành học đó. Nếu điểm thi mà thấp điểm hơn điểm chuẩn trường đưa ra thì sẽ không đậu vào ngành học đó và thí sinh cần phải tìm phương án khác.

Điểm sàn sẽ giúp các trường định ra mức điểm chuẩn xét tuyển bằng cách căn cứ vào chỉ tiêu tuyển và điểm thi của thí sinh. Từ mức điểm sàn đã được quy định, điểm xét tuyển không được thấp hơn điểm sàn.

Ví dụ: Trường Đại học A nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm sàn) với mức từ 17 điểm trở lên nhưng chỉ có những thí sinh đạt 19 điểm mới thuộc diện trúng tuyển vì tại mức 19 điểm trường tuyển đủ chỉ tiêu được giao, còn mức 17 điểm thì số lượng đã vượt quá nhiều so với chỉ tiêu.

Điểm sàn và điểm chuẩn chênh lệch bao nhiêu?

Mặc dù điểm sàn và điểm chuẩn đều quy định về mức điểm nhưng điểm sàn là ngưỡng điểm tối thiểu để xét tuyển còn điểm chuẩn là mức điểm trúng tuyển của từng trường, từng ngành. Vì vậy không thể nói chính xác sự chênh lệch giữa điểm sàn và điểm chuẩn. Tất cả đều tùy thuộc vào quy định của mỗi trường và mỗi ngành.

Đối với hầu hết các trường, điểm xét tuyển sẽ cao hơn điểm sàn. Đặc biệt ở các trường tốp đầu, điểm chuẩn có khi cao hơn điểm sàn rất nhiều. Ví dụ năm 2020, Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố điểm sàn là 19 điểm đối với chương trình chính quy đại trà. Thế nhưng điểm chuẩn trường công bố chênh lệch điểm sàn tới 9-10 điểm như Khoa học máy tính (28 điểm), Kỹ thuật cơ điện tử (27 điểm)…

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường, do chỉ tiêu chiểu sinh lớn, mức độ cạnh tranh thấp nên điểm chuẩn có thể bằng điểm sàn. Chẳng hạn như Đại học Văn Lang thông báo điểm sàn xét học bạ đợt 1/2021 của nhiều ngành (trừ nhóm ngành sức khỏe) là 18. Và điểm chuẩn trúng tuyển xét học bạ đợt 1/2021 của các ngành này cũng bằng sàn là 18.

Theo các chuyên gia hướng nghiệp và tuyển sinh, các trường khi công bố điểm sàn xét tuyển đều căn cứ vào số lượng nguyện vọng, thứ tự nguyện vọng và điểm thi của thí sinh. Tuy vậy, nhiều trường thường đưa ra mức điểm sàn thấp hơn nhiều so với mức điểm chuẩn dự kiến để bảo đảm lượng hồ sơ dồi dào khi xác định điểm chuẩn. Thí sinh không nên thấy điểm sàn thấp mà vội đăng ký, cần tập hợp cho mình nhiều thông tin về ngành, điểm chuẩn tham khảo các năm trước ở những trường mình thích trước khi đặt bút đăng ký.

Điểm sàn chỉ mới là điều kiện cần để nộp hồ sơ xét tuyển, điểm chuẩn là điều kiện đủ để trúng tuyển đại học. Nghiên cứu điểm chuẩn của ngành/trường theo mỗi phương thức tuyển sinh trong 3 năm gần nhất thí sinh sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn trong lộ trình đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.