Văn học trung đại Việt Nam còn được gọi bằng những cái tên khác nhau như văn học thành văn, văn học phong kiến, văn học cổ điển. Bởi từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, văn học trung đại Việt Nam phát triển trong một môi trường xã hội phong kiến với ý thức hệ nho giáo.
Lực lượng sáng tác của văn học trung đại chủ yếu là tầng lớp trí thức, những người có trình độ cao, được đào tạo từ “cửa Khổng sân Trình” và những sáng tác chỉ lưu truyền trong tầng lớp công chúng ấy. Bên cạnh đó văn học thời kỳ này còn chịu ảnh hưởng bởi thi pháp văn chương cổ điển.
Văn học trung đại Việt Nam tồn tại và phát triển trong suốt mười thế kỷ nhưng không bao giờ tách rời khỏi cảm hứng yêu nước; cảm hứng nhân đạo, thế sự. Văn học trung đại được chia thành các giai đoạn:
+ Giai đoạn văn học Lý-Trần (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV)
+ Giai đoạn văn học đời Lê (thế kỷ XV)
+ Giai đoạn văn học từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII
+ Giai đoạn văn học từ nửa sau thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX
+ Giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX (Văn học yêu nước chống Pháp)