Mục lục
Tính phi ngã là gì
Tính phi ngã là sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người trong thi pháp văn học trung đại Việt Nam. Sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người trong thi pháp văn học trung đại (tính phi ngã) là sự cảm thụ và diễn tả hiện thực khách quan không bởi con mắt quan sát của cá nhân người nghệ sĩ và không phải bằng hình ảnh ngôn từ, nhịp điệu, tình tiết do nghệ sĩ đó sáng tạo nên mà bằng một hệ thống ước lệ nghệ thuật có tính chất phi ngã.
Nguyên nhân của tính phi ngã trong văn học trung đại
Thời trung đại (phong kiến), ý thức cá nhân chưa có điều kiện phát triển. Con người chưa bao giờ “sống là mình”. Con người chỉ sống với không gian mà không sống cùng thời gian. Con người được nhìn nhận, đánh giá trên cơ sở của tầng lớp, giai cấp, dòng tộc, địa vị xã hội. Con người chỉ phân thành hai loại: quân tử và tiểu nhân.
Chính điều kiện xã hội ấy đã sinh ra hệ thống ước lệ trong văn chương, một ước lệ nghệ thuật có tính phi ngã. Nhà văn cảm thụ và diễn tả thiên nhiên không bằng cái nhìn hữu ngã và bằng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu do cá nhân mình sáng tạo.
Biểu hiện của tính phi ngã trong văn học trung đại
- Tranh vẽ, thơ vịnh cảnh đều có sự quy định sẵn theo công thức.
- Nhân vật, cốt truyện, luật phối thanh bằng trắc của thơ phú cũng có quy định chặt chẽ.
- Hình ảnh, những ngôn từ ước lệ phi ngã.
Nói văn học trung đại có tính phi ngã không có nghĩa trong tác phẩm văn chương không có dấu ấn bản ngã của người nghệ sĩ. Bởi lao động nghệ thuật là một họat động sáng tạo; văn học chân chính không chấp nhận công thức, phi ngã. Trong văn học thời trung đại của dân tộc ta, các cây bút lớn đều khẳng định tư tưởng, cá tính và tài nghệ độc đáo của họ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà,…
Cảm tưởng về tính phi ngã
Sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người là sản phẩm tất yếu của xã hội phong kiến. Hệ quả đáng tiếc làm nhân vật của văn học trung đại chưa được sống như một cá thể sinh động, vậy nên thiếu đi tính hấp dẫn; giá trị nhân bản của các sáng tác văn học trung đại ít nhiều bị hạn chế. Nhưng cũng đáng mừng, đáng trân trọng khi nhiều nhà thơ, nhà văn đã dám phá cách để vượt lên khỏi khuôn khổ chật hẹp mà tính phi ngã đưa đến.