Ngành ngôn ngữ Anh học gì? Ra trường làm công việc gì?

Chọn ngành để học hay định hướng nghề nghiệp là những quyết định vô cùng quan trọng trong mỗi chúng ta. Với thời kỳ hội nhập, việc học ngoại ngữ quan trọng hơn bao giờ hết. Sẽ luôn luôn có những ý kiến trái chiều về một ngành học đặc biệt khối ngành ngôn ngữ nói chung cũng như ngành ngôn ngữ Anh nói riêng, chẳng hạn “Tiếng Anh bây giờ đã bão hòa” hay “học ngoại ngữ không lo thiếu việc làm“. Thông qua bài viết đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành Ngôn ngữ Anh và từ đó có những định hướng đúng đắn hơn.

1. NGÀNH NGÔN NGỮ ANH HỌC GÌ?

Chắc chắn rằng có nhiều bạn cũng như mình, chọn ngành ngôn ngữ chỉ đơn giản là vì thích tiếng Anh và nghĩ rằng ra truòng sẽ có việc làm. Và đây là hai yếu tố nên cân nhắc lựa chọn ngành này bởi chỉ khi có sự hứng thú, niềm đam mê bạn mới học tốt. Còn cơ hội việc làm mình sẽ nói rõ ở phần tiếp theo.

Thời gian học cấp 3, chúng ta đã quen thuộc với học chú trọng vào ngữ pháp, những bài tập viết câu thì khi vào bước vào ngành này ở giảng đường Đại học, bạn sẽ thay đổi hình thức học. Tập trung vào kỹ năng và bạn cần có một nền tảng cơ sở trước đó. Bốn năm tiếp theo bạn sẽ đắm chìm trong tiếng Anh. Những ngày đầu tiên, có thể bạn sẽ bỡ ngỡ và khó khăn trong tiếp thu bài giảng bởi thầy cô sẽ sử dụng toàn bộ bằng tiếng Anh.

Ở 2 năm đầu, ngoài các môn đại cương thì bạn sẽ được học 4 kỹ năng Nghe- Nói- Đọc- Viết. Trong đó, nghe và nói là kĩ năng khó nhất đối với sinh viên. Đòi hỏi các bạn phải có phương pháp và chăm chỉ rèn luyện mỗi ngày để tăng trình độ tiếng Anh của mình lên và cũng là bàn đạp để bắt đầu bước vào chuyên ngành.

Tiếp đó, không thể không kể đến những môn học chuyên sâu hiểu bản chất của tiếng Anh. Đây là những môn mang nặng lý thuyết, học thuật hơn, đòi hỏi tư duy:

Ngữ âm-Âm vị học: Hệ thống ngữ âm và âm vị tiếng Anh, hệ thống phiên âm quốc tế IPA.

Hình Thái Học: lý thuyết về thành phần và nguồn gốc của từ vựng tiếng Anh

Cú Pháp Học: lý thuyết về thành phần của một câu tiếng Anh

Ngữ Nghĩa Học: kiến thức nền tảng về ngữ nghĩa học bao gồm nghĩa của từ vựng, nghĩa của câu.

Phân tích diễn ngôn: cách thức mà ngôn ngữ Anh được sử dụng, cả về viết văn bản và ngữ nói bối cảnh.

Tiếp là các môn học Văn hóa Anh, văn hóa Mỹ, Giao thoa văn hóa. Mình nhận thấy đây là những môn rất cần thiết bởi học ngoại ngữ phải luôn luôn gắn liền với văn hóa. Hiểu được văn hóa chúng ta mới có thể sử dụng một cách linh hoạt ở mọi tình huống hơn.

Thông thường, sẽ phân theo chuyên ngành từ năm 3. Cụ thể, mình học trường Đại học Ngoại ngữ Huế bao gồm các chuyên ngành như sau:

  • Chuyên ngành phiên dịch

  • Biên dịch

  • Tiếng Anh du lịch

  • Ngữ văn.

Ngoài ra, bạn sẽ học thêm một ngoại ngữ 2 như Nhật, Hàn, Trung…Phải tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn bởi ngoại ngữ 2 cũng rất quan trọng. Việc học 2 ngoại ngữ đồng thời đôi lúc sẽ khiến bạn khó cân bằng. Và một điều thú vị là mình có những người bạn đã theo đuổi ngoại ngữ 2 và có công việc chuyên về ngoại ngữ đó.

Ngoài học kiến thức chuyên môn, mình đã học được rất nhiều Kỹ năng mà sau khi ra trường mình mới nhận ra, khi đủ trưởng thành để nhìn nhận lại. Tất cả các học phần đều có bài thuyết trình, làm bài tập nhóm, Kỹ năng Tư duy phản biện, Giải quyết vấn đề, Kỹ năng Tự học…Có những thầy cô đã dạy về cách viết email văn phòng, CV để ứng tuyển rất chi tiết. Và những kỹ năng này rất cần thiết cho công việc cũng như trong cuộc sống.

Đặc biệt, bởi chúng ta được học và tiếp xúc với nền văn hóa phương tây, các giảng viên đều từng du học nước ngoài, hoặc người nước ngoài nên mình sẽ có một Tư duy mở. Đó là cách chúng ta đón nhận mọi thứ và nó cũng thay đổi mình rất nhiều trong cuộc sống.

2. NHỮNG CÔNG VIỆC SAU KHI RA TRƯỜNG

Cơ hội việc làm đối với ngành ngôn ngữ luôn luôn rộng mở. Bởi hầu hết các công việc đều cần tiếng anh và các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao. Tuy nhiên, lựa chọn nghề nghiệp cụ thể đều phụ thuộc vào mỗi cá nhân.

Hầu hết sau khi ra trường, mọi người đều chọn làm giáo viên tiếng Anh, biên – phiên dịch tiếng Anh đúng với chuyên môn cứng. Cũng có những người tốt nghiệp Ngôn ngữ Anh học thêm nghiệp vụ cho một ngành nghề mới đồng thời sử dụng tiếng Anh là phương tiện trong công việc.

Trước đây, mình từng có cơ hội thực tập vị trí Lễ tân tại Resort, ra trường mình làm Dịch thuật hồ sơ và dạy tiếng Anh partime. Tuy nhiên, mình nhận thấy bản thân không phù hợp với công việc nên trong quá trình đó mình vẫn luôn học hỏi và tìm kiếm mọi cơ hội và tham khảo nhiều thông tin. Hiện tại mình làm Freelancer.

Theo những gì mình đã trải qua, tham khảo thêm bạn bè và các anh chị tốt nghiệp ngành này, gồm những công việc cụ thể sau:

– Giáo viên tiếng Anh: Đây là công việc phổ biến nhất sau khi ra trường. Các bạn có thể dạy tiếng Anh tại các trường học, trung tâm tiếng Anh hoặc tự mình mở lớp dạy ở nhà.

Tùy thuộc vào môi trường mà bạn ứng tuyển sẽ có những yêu cầu khác nhau, tuy nhiên với sự cạnh tranh hiện nay để trở thành giáo viên cần có bằng TOEIC, IELTS và nghiệp vụ sư phạm.

  • Để trở thành một giáo viên bạn cần phải có kiến thức chuyên môn tốt. Bạn hiểu rõ mới có thể dạy cho người khác.

  • Kỹ năng thuyết trình. Bạn phải trình bày làm sao để người khác hiểu. Chính vì thế nghiệp vụ sự phạm cũng rất quan trọng.

  • Giáo viên cần có sự sáng tạo, sáng tạo trọng việc xây dựng bài giảng, tạo không khí và sự hứng thú cho học sinh của mình.

– Biên, phiên dịch: Bạn có thể dịch văn bản hành chính, dịch sách, phụ đề phim; phiên dịch tại các cơ quan, tập đoàn, công ty, các tổ chức, cả online và offline đều có nhu cầu rất cao.

Đây là một công việc khó, đòi hỏi kiến thức vững vàng, am hiểu về ngôn ngữ Anh và Việt. Bạn phải chuyển đổi giữa 2 ngôn ngữ với nhau một cách linh hoạt ko làm mất đi sắc thái và nét nghĩa chính của câu từ vẫn bảo đảm sự mượt mà. Bạn có thể chuyên dịch cho một lĩnh vực nhất định. Ngoài ra, bạn nên luyện tập thêm các kỹ năng:

  • Tổng hợp vấn đề

  • Kỹ năng Giao tiếp

  • Kỹ năng Thuyết trình

  • Kỹ năng Tốc ký

Tiếp theo, dưới đây là những công việc mà bạn cần phải học thêm nghiệp vụ 6 tháng hoặc làm thực tập một thời gian trước khi làm chính thức.

– Hướng dẫn viên du lịch, lễ tân nhà hàng-Khách sạn: Dành cho những bạn thích gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Đòi hỏi có sự linh hoạt; kỹ năng giải quyết vấn đề; sức khỏe tốt bởi cường độ làm việc cao ( hướng dẫn viên phải di chuyển rất nhiều, lễ tân làm việc theo ca.)

– Sáng tạo nội dung (Content Creator): Lên ý tưởng và viết content ở các nền tảng Blog, Facebook… Đây cũng là công việc chính của mình. Đòi hỏi năng kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng Phân tích, quan sát và sáng tạo.

– Quản trị nhân sự (HR): Vì phải làm việc trong môi trường tiếp xúc con người nhiều cần kỹ năng Giao tiếp, đàm phán và thuyết phục, nắm bắt tâm lý đối phương.

– Xuất nhập khẩu (Logistics): đây là một ngành phát triển trong những năm gần đây.

Ngoài ra còn có rất nhiều công việc mà Cử nhân tiếng Anh có thể ứng tuyển: Tư vấn, marketing, tổ chức sự kiện…Hoặc làm việc tại nước ngoài, du học để mở rộng cơ hội.

Và mức thu nhập còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: điểm chứng chỉ IELTS hoặc Toeic, kinh nghiệm hay năng lực của bạn.

Các bạn có thể lên các trang tuyển dụng hoặc Internet tìm hiểu về mô tả công việc. Những yêu cầu về kỹ năng sẽ cụ thể hơn theo từng công việc từ đó trau dồi thêm cho mình.

3. NHẮN NHỦ ĐẾN BẠN

– Nếu bạn yêu thích tiếng Anh hãy tự tin theo học, chương trình sẽ có những môn khó nên hãy luôn chăm chỉ và duy trì niềm yêu thích.

– Bất kể ngành nghề nào cũng vậy, kiến thức trên nhà trường là một phần, chúng ta cần phải học tập thêm rất nhiều để phục vụ cho công việc. Bất kể ngành học nào cũng đều có những lợi thế hay khó khăn. Nếu bạn đang học hãy cứ tập trung vào kiến thức chuyên môn thật tốt và rèn luyện các kỹ năng mềm.

– Bắt đầu từ năm 3, hãy làm thêm hoặc thực tập công việc mà bạn muốn theo đuổi. Để có kinh nghiệm và có thể bạn sẽ biết được mình có phù hợp với nghề không từ đó có thể định hướng công việc sau khi ra trường.

– Bên cạnh việc bản thân tự học, các bạn nên tận dụng tối đa từ mọi phía: sách vở, mạng xã hội, đặc biệt là Giảng viên. Giảng viên sẽ là người vừa dạy kiến thức bộ môn. Đồng thời, thầy cô có thể cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình đào tạo và hướng nghiệp cho các bạn.

– Tích cực tham gia các hoạt động seminar, trao đổi văn hóa-giao lưu quốc tế.

– Đừng hoang mang từ những ý kiến bên ngoài vì khả năng mỗi người khác nhau. Có người cho rằng khó có người lại thấy vừa sức. Hãy tự trải nghiệm, tin tưởng vào bản thân và luôn cố gắng.