Mục lục
Những đặc điểm lớn về nghệ thuật của văn học trung đại
Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm
– Tính quy phạm, đặc điểm nổi bật của văn học trung đại, là sự quy định chặt chẽ theo khuôn mẫu.
– Ở quan điểm văn học: Coi trọng mục đích giáo huấn, văn để chở đạo; ở tư duy nghệ thuật nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn đã thành công thức; ở thể loại văn học với những quy định chặt chẽ về kết cấu; ở cách sử dụng thi liệu dẫn nhiều điển tích, điển cố, dùng nhiều văn liệu quen thuộc. Do tính quy phạm, văn học trung đại thiên về ước lệ, tượng trưng.
– Tuy nhiên, các tác giả văn học trung đại cũng đã phá vỡ tính quy phạm, phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện.
Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị
– Tính trang nhã cũng là đặc điểm của văn học trung đại, thể hiện ở đề tài, chủ đề hướng tới cái cao cả, trang trọng hơn là cái đời thường, bình dị; ở hình tượng nghệ thuật hướng tới vẻ tao nhã, mĩ lệ hơn là vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc; ở ngôn ngữ nghệ thuật là chất liệu ngôn ngữ cao quý, cách diễn đạt trau chuốt, hoa mĩ hơn là thông tục, tự nhiên, gần với đời sống.
– Trong quá trình phát triển của văn học trung đại, xu hướng gắn bó với hiện thực đã đưa văn học từ phong cách trang trọng, tao nhã về gần với đời sống hiện thực, tự nhiên và bình dị.
Tiếp thu và dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài
– Văn học trung đại Việt Nam phát triển theo quy luật vừa tiếp thu vừa dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc.
– Dùng chữ Hán để sáng tác, tiếp thu thể cổ phong, thể Đưòng luật trong văn vần, thể hịch, cáo, chiếu, biểu, truyện kí, tiểu thuyết chương hồi trong văn xuôi… sử dụng những điển cố, thi liệu Hán văn.
– Quá trình dân tộc hóa đã sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở những thành tố của chữ Hán để ghi âm, biểu đạt nghĩa tiếng Việt và dùng chữ Nôm trong sáng tác; Việt hóa thể thơ Đường luật thành thơ Nôm Đường luật, thất ngôn xen lục ngôn, sáng tạo các thể thơ như lục bát, song thất lục bát, các thể ngâm khúc, truyện thơ, hát nói; sử dụng lời ăn tiếng nói, cách diễn đạt của nhân dân trong sáng tác.
– Văn học trung đại Việt Nam phát triển trong sự gắn bó với vận mệnh đất nước, nhân dân. Cùng với văn học dân gian, văn học trung đại góp phần làm nên diện mạo hoàn chỉnh và đa dạng của văn học dân tộc.