Mã ngành: 7320104
Mục lục
1. Truyền thông Đa phương tiện là gì?
Truyền thông đa phương tiện là ngành học với môi trường năng động, trẻ trung, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin, mỹ thuật trong việc thiết kế và phát triển những sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện và tương tác cho nhiều lĩnh vực như:
- Truyền thông (quảng cáo, truyền hình …)
- Kinh doanh (marketing, thương mại điện tử …)
- Giáo dục (đào tạo trực tuyến, thực tại ảo …)
- Giải trí (trò chơi điện tử, phim, âm nhạc …), …
Ngành Truyền thông đa phương tiện có sự giao thoa kiến thức của nhiều lĩnh vực như Truyền thông, Mỹ thuật, Công nghệ thông tin, Marketing…
Ngành truyền thông đa phương tiện là cơ hội mở ra cho những ai đam mê truyền thông và công nghệ một chân trời rộng lớn với năng lực xử lý âm thanh, hình ảnh, video, khả năng thiết kế đỉnh cao bằng các phần mềm chuyên dụng như Illustrator, Photoshop, Indesign, Adobe Premier Pro, Adobe Aftef Effect… kỹ năng phối màu trên máy, đặc biệt là khả năng tạo ra các sản phẩm đồ họa sinh động phục vụ cho truyền thông, quảng cáo, giải trí… thu hút hàng triệu người quan tâm.
Đây là một ngành nghề mới, phát triển như vũ bão nhờ đôi cánh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, Truyền thông đa phương tiện còn được mệnh danh là “ngành nghề của thời đại”.
2. Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu của chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện được xây dựng phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu chiến lược và triết lý giáo dục của trường Đại học Đại Nam – “Học để thay đổi”.
Theo đó, mục tiêu chính của ngành học là cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về các loại hình báo chí truyền thông, quảng cáo, marketing. Từ đó làm cơ sở tiếp thu kiến thức ngành và chuyên ngành về Truyền thông đa phương tiện.
Người học sẽ nắm vững khối kiến thức, kỹ năng chuyên sâu của ngành Truyền thông đa phương tiện: Từ phương thức xây dựng kế hoạch đến việc triển khai kế hoạch, thực hiện các nghiệp vụ truyền thông cơ bản như viết, sản xuất video, audio, nhiếp ảnh, biên tập multimedia, thiết kế đồ họa… trên các kênh truyền đa dạng, hiện đại nhất hiện nay, áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như truyền thông doanh nghiệp, chính phủ, xã hội, đối ngoại…
Bên cạnh đó, người học cũng được trau dồi các kĩ năng mềm quan trọng như: kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng tư duy, phân tích và tổng hợp,…. Đồng thời được tăng cường khả năng về công nghệ thông tin, trình độ tiếng Anh tương đương với chuẩn B1 theo tham chiếu của châu Âu, để ứng dụng trong các hoạt động thực tiễn nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học về Truyền thông đa phương tiện.
Người học có thể sử dụng Truyền thông đa phương tiện như một nghề nghiệp, hay một công cụ hỗ trợ để học tập, nghiên cứu các chuyên ngành khác. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ tích lũy những phẩm chất và kĩ năng cá nhân cũng như nghề nghiệp quan trọng, để tự tin tham gia thị trường lao động, đồng thời có thể trở thành chuyên gia, các nhà quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
3. Cơ hội nghề nghiệp
Tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện sinh viên có thể làm việc ở rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh, với các công việc như:
- Chuyên viên truyền thông/Báo chí
- Quản trị các kênh truyền thông trực tuyến
- Quản trị web
- Chuyên viên quảng cáo
- Chuyên viên marketing trực tuyến
- Chuyên viên/giám đốc tổ chức sự kiện
- Phóng viên (truyền thông đa phương tiện)/biên tập viên truyền hình
- Chuyên viên đối ngoại và quan hệ công chúng
- Chuyên viên quản lý mạng xã hội
- Cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu
- Giám đốc sản xuất, giám đốc sáng tạo, đạo diễn hình, chuyên viên truyền thông tổng hợp, chuyên viên chăm sóc khách hàng
- Chuyên gia đào tạo
- Khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp….vv…
4. Những tố chất phù hợp với ngành Truyền thông Đa phương tiện
- Năng khiếu về thẩm mỹ, mỹ thuật.
- Năng khiếu/yêu thích viết.
- Giao tiếp tốt: tự tin trước đám đông, linh hoạt khi trao đổi công việc, giàu sức thuyết phục, quyết đoán khi đàm phán.
- Khả năng biên tập, biên soạn nội dung, hình ảnh, âm thanh.
- Khả năng quan sát, phán đoán và xử lý vấn đề tốt
- Khả năng sáng tạo không ngừng.
- Tư duy nhạy bén, bắt kịp xu hướng, tạo ra xu hướng.
- Kiến thức xã hội sâu rộng, có trình độ ngoại ngữ và tin học
5. Bằng cấp sau khi tốt nghiệp
Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Cử nhân theo phôi bằng của Bộ Giáo dục & Đào tạo.