Ngành Y khoa là gì? Học gì? Ra trường làm gì?

Ngành Y khoa đang được đẩy mạnh đào tạo tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều trường đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực xuất sắc phục vụ cho các cơ sở y tế. Cùng khám phá về ngành học này ngay nhé!

“Nhất Y nhì Dược” là quan niệm đã tồn tại ở Việt Nam từ cả chục năm trước, nói lên sự danh giá của lĩnh vực nghề nghiệp được xã hội trọng vọng này. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2050 thì 25% dân số Việt Nam sẽ là người trên 60 tuổi. Điều đó kéo theo việc con người có nhiều nhu cầu hơn về chăm sóc y tế khi đối mặt với các vấn đề sức khỏe tuổi già. Đó là lý do ngành Y khoa sẽ còn có nhiều triển vọng và cơ hội việc làm hấp dẫn hơn nữa trong tương lai, xứng đáng để bạn theo đuổi ngay từ bây giờ.

Ngành Y khoa là gì? Học gì?

Y khoa hay còn gọi là Y đa khoa là ngành học đào tạo bác sĩ đa khoa với đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất để chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh tật. Đồng thời các bác sĩ cũng tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và tuyên truyền, giáo dục để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Khi theo học ngành này thì bạn sẽ cần học trong vòng 06 năm cho bậc đại học và khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng bác sĩ.

Chương trình đào tạo ngành Y khoa tại Việt Nam được xây dựng tại quy định chung của Bộ Y tế về chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa. Tuy có thể các trường đại học sẽ thiết kế chương trình giảng dạy khác nhau nhưng nhìn chung vẫn phải đảm bảo rèn luyện được cho sinh viên 4 lĩnh vực năng lực sau:

  • Năng lực hành nghề chuyên nghiệp: Bác sĩ cần tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, pháp luật, không ngừng học hỏi và phát triển để nâng cao chất lượng dịch vụ.
  • Năng lực ứng dụng kiến thức y học: Bác sĩ cần vận dụng kiến thức cơ bản về y học, bệnh học và y tế công cộng để chẩn đoán, điều trị bệnh và tư vấn cho bệnh nhân các vấn đề sức khỏe.
  • Năng lực chăm sóc y khoa: Bác sĩ cần có khả năng chẩn đoán, điều trị các bệnh thường gặp, cấp cứu ban đầu và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân, đồng thời tham gia vào các hoạt động phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
  • Năng lực giao tiếp, cộng tác: Bác sĩ cần có khả năng giao tiếp hiệu quả với các nhóm đối tượng khác nhau như bệnh nhân, người nhà, đồng nghiệp và cộng đồng. Từ đó xây dựng mối quan hệ tin cậy và hợp tác để đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Các hướng đi khi tốt nghiệp Y khoa

Có thể nói Y khoa là một ngành cần học tập và rèn luyện suốt đời nên sau khi tốt nghiệp đại học, các bác sĩ đa khoa sẽ có nhiều hướng đi khác nhau. Ngay sau khi tốt nghiệp thì các bạn có thể chọn 2 hướng đi chính sau đây:

Thực hành lâm sàng tại cơ sở y tế

Với bằng bác sĩ đa khoa thì bạn có thể xin thực hành lâm sàng tại các bệnh viện, phòng khám hoặc cơ sở y tế trên toàn quốc, bao gồm cả công lập và tư nhân. Bạn sẽ cần thực hành trong thời gian 18 tháng theo quy định hiện hành thì mới đủ điều kiện xin cấp chứng chỉ hành nghề.

Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề thì các bạn có thể tiếp tục làm việc tại đơn vị đang thực hành trước đó hoặc ứng tuyển vào các đơn vị khác tùy theo nhu cầu thực tế về nhân lực và mong muốn của bản thân.

Thi Bác sĩ Nội trú, Thạc sĩ y học

Nếu bạn có dự định học lên sau đại học ngay sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa thì có thể lựa chọn thi Bác sĩ Nội trú hoặc Thạc sĩ y khoa.

Kỳ thi Bác sĩ nội trú thì bạn cần đăng ký tham gia trước năm 27 tuổi, thi tuyển theo quy định của cơ sở đào tạo và tiến hành chọn chuyên khoa để học tập sau khi có kết quả thi theo thứ tự xếp hạng từ trên xuống cho đến khi hết chỉ tiêu. Điều này có nghĩa là người có điểm thi càng cao thì càng dễ được chọn đúng ngành yêu thích khi vẫn còn chỉ tiêu. Chương trình đào tạo kéo dài trong khoảng 3 năm, khi tốt nghiệp bạn sẽ được cấp bằng Bác sĩ nội trú, bằng Chuyên khoa cấp I và có thể đề nghị cấp bằng Thạc sĩ tùy theo quy định của cơ sở đào tạo.

Kỳ thi Thạc sĩ y khoa thì không giới hạn về độ tuổi nên bạn có thể đăng ký tham gia bất cứ khi nào sau khi đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và chuẩn bị đủ về thời gian, tài chính để học tập. Thời gian đào tạo kéo dài khoảng 2 – 3 năm tùy cơ sở đào tạo, khi tốt nghiệp bạn sẽ được cấp bằng Thạc sĩ theo chuyên ngành mà mình đã lựa chọn. Ngoài học tập trong nước thì bạn có thể cân nhắc học thạc sĩ ở nước ngoài.

Trên đây chỉ là hướng đi dành cho các bác sĩ đa khoa ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra trong quá trình làm việc thực tế thì các bác sĩ có thể tham gia thêm các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyên môn hoặc học lên tiến sĩ, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy để được trao tặng học hàm phó giáo sư, giáo sư về y học.

Danh sách trường đại học đào tạo ngành Y

Để lựa chọn trường phù hợp, bạn nên xem xét các yếu tố sau:

  • Điểm chuẩn: Mức điểm sẽ thay đổi hàng năm tùy vào chỉ tiêu, phổ điểm và nhiều yếu tố khác.
  • Chương trình đào tạo: Hãy tìm hiểu kỹ về nội dung chương trình học, phương pháp giảng dạy và đội ngũ giảng viên mà bạn sẽ theo học.
  • Học phí: Học Y cần ít nhất 6 năm để hoàn thành chương trình, bạn nên tìm hiểu kỹ về học phí, mức tăng học phí của trường và tính toán về khả năng chi trả của gia đình.
  • Cơ sở vật chất: Học Y yêu cầu kết hợp cả lý thuyết và thực hành, cần có các trang thiết bị và máy móc hiện đại nên hãy chọn trường có phòng thí nghiệm hoặc phòng thực hành đáp ứng được yêu cầu học tập bạn nhé.
  • Cơ hội thực tập, thực tế: Để trở thành bác sĩ thì bạn cần phải thực hành, học lâm sàng đủ các chuyên khoa từ thời sinh viên. Vì vậy trường học của bạn cần phải là đơn vị có kết nối với nhiều bệnh viện, có thể cử sinh viên đi học thực tế để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Dưới đây là danh sách các trường đang đào tạo ngành Y khoa để các bạn tham khảo nhé:

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Trường Đại học Y Hà Nội
  • Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội)
  • Đại học Y Dược Hải Phòng
  • Đại học Y Dược Thái Bình
  • Đại học Y dược Thái Nguyên
  • Học viện Quân Y
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Phenikaa
  • Trường Đại học Y Hà Nội (Phân hiệu Thanh Hoá)
  • Đại học Y Dược Huế
  • Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng
  • Trường Đại học Đông Á
  • Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
  • Đại học Y Dược Cần Thơ
  • Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
  • Học viện Quân Y phân hiệu phía Nam
  • Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
  • Trường ĐH Phan Châu Trinh

Trở thành bác sĩ là ước mơ của các bạn trẻ đam mê công việc chữa bệnh cứu người và cũng là niềm tự hào của các gia đình. Con đường học tập và làm công việc bác sĩ sẽ có nhiều thử thách cần đến sự quyết tâm và kiên trì của người học. Chúc các bạn sẽ tìm được môi trường học tập phù hợp để theo đuổi ngành nghề này nhé!