Ngành Quản trị nhân lực học gì? Ra trường có dễ xin việc không?

Ngành Quản trị nhân lực là một lĩnh vực rất thú vị, có sức hút đối với giới trẻ trong những năm gần đây. Cùng tìm hiểu về chương trình học, cơ hội việc làm và các đơn vị đào tạo uy tín của ngành học này nhé.

Quản trị nhân lực là gì?

Quản trị nhân lực (Human Resource Management) là nghệ thuật thu hút, tuyển dụng, đào tạo, phát triển và giữ chân nhân tài, góp phần tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả và năng suất.

Quản trị nhân lực không chỉ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh mà còn tạo ra môi trường làm việc tốt, thúc đẩy sự hài lòng và gắn bó của nhân viên. Những chuyên gia trong lĩnh vực này cần phải hiểu rõ các chiến lược quản lý nhân sự, chính sách lao động, và các xu hướng phát triển mới nhất để đưa ra các giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp.

ngành quản trị nhân lực

Ngành quản trị nhân lực học gì?

Khi theo học Quản trị nhân lực, các bạn sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng để thực hiện các nghiệp vụ như lập kế hoạch, tổ chức, tuyển dụng, đào tạo và phát triển, đánh giá hiệu quả công việc, quản trị thù lao của người lao động và xử lý các tình huống liên quan đến quan hệ lao động.

Về chương trình đào tạo thì tùy từng trường sẽ có định hướng đào tạo khác nhau. Nhìn chung, các bạn sẽ một số kiến thức chuyên ngành như sau:

  • Luật Lao động Việt Nam
  • Hành vi tổ chức
  • Quản trị đa văn hóa
  • Hoạch định và tuyển dụng
  • Đào tạo và phát triển nhân viên
  • Quản trị hiệu quả công việc
  • Quản trị thù lao của người lao động
  • Tâm lý học lao động
  • Quản trị văn phòng

Cơ hội nghề nghiệp ngành quản trị nhân lực

Vị trí việc làm

Nhắc đến công việc của người học ngành Quản trị nhân lực thì các bạn sẽ nghĩ đến làm chuyên viên tuyển dụng (HR) đầu tiên. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp ngành này thì có nhiều vị trí việc làm mà bạn có thể đảm nhiệm:

  • Chuyên viên tuyển dụng: Phụ trách quy trình tuyển dụng từ việc tìm kiếm, phỏng vấn đến chọn lọc ứng viên phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân sự của công ty.
  • Chuyên viên tiền lương & phúc lợi: Quản lý và tính toán tiền lương, thưởng, bảo hiểm và các chế độ phúc lợi khác cho nhân viên, đảm bảo sự chính xác và tuân thủ các quy định pháp luật.
  • Chuyên viên quan hệ lao động: Xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp và duy trì môi trường làm việc hòa hợp giữa công ty và nhân viên.
  • Chuyên viên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước và ngoài nước: Thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng cho nhân viên trong và ngoài nước, nhằm nâng cao năng lực và hiệu suất làm việc.
  • Quản lý bộ phận hành chính – nhân sự: Giám sát hoạt động hành chính và nhân sự, bao gồm quản lý hồ sơ nhân viên, đảm bảo tuân thủ quy định và hỗ trợ các chiến lược phát triển nhân sự của công ty.
  • Chuyên gia tư vấn, giảng viên, nghiên cứu viên về Quản trị nhân lực: Tham gia giảng dạy, nghiên cứu, và cung cấp tư vấn về các chiến lược và chính sách quản trị nhân lực tại các trường đại học, viện nghiên cứu, hoặc tổ chức giáo dục.

Mức lương

Mức lương trong ngành Quản trị nhân lực có sự đa dạng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí công việc, kinh nghiệm, trình độ học vấn và quy mô của doanh nghiệp. Các bạn có thể tham khảo bảng lương dưới đây để có cái nhìn tổng quan về thu nhập của ngành này:

Vị trí việc làm Mức lương
Chuyên viên tuyển dụng 8 – 10 triệu đồng/tháng
Chuyên viên tiền lương & phúc lợi 10 – 12 triệu đồng/tháng
Chuyên viên quan hệ lao động 12 – 15 triệu đồng/tháng
Chuyên viên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực 15 – 25 triệu đồng/tháng
Quản lý bộ phận hành chính – nhân sự 25 – 40 triệu đồng/tháng
Chuyên gia tư vấn, giảng viên, nghiên cứu viên 20 – 35 triệu đồng/tháng

Có thể bạn chưa biết, khi theo đuổi lĩnh vực Quản trị nhân lực thì bạn có thể đi theo 3 định hướng khác nhau về công việc là:

  • Làm việc tại bộ phận Hành chính – Nhân sự của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
  • Làm việc tại các công ty cung cấp nguồn nhân lực và dịch vụ đào tạo nhân sự

Nếu bạn là người giỏi sắp xếp thời gian thì bạn có thể làm cùng lúc cả 2 hướng nâng cao thu nhập hơn nữa.

Danh sách trường đại học đào tạo Quản trị nhân lực

Ngành Quản trị nhân lực được đào tạo ở khá nhiều trường đại học tại Việt Nam. Trung bình các bạn sẽ cần khoảng 3 – 4 năm để hoàn thành chương trình học cử nhân và bước vào thị trường lao động. Các bạn có thể tham khảo các trường đại học dưới đây để lựa chọn một cơ sở đào tạo phù hợp với mình nhé:

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Đại học Kinh tế Quốc dân 
  • Đại học Thương mại 
  • Đại học Lao động – Xã hội 
  • Đại học Công đoàn
  • Đại học Ngoại thương 
  • Đại học Đại Nam
  • Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội 
  • Đại học Thăng Long
  • Đại học Công nghiệp Hà Nội 
  • Đại học Thủ đô Hà Nội
  • Đại học Mỏ – Địa chất
  • Học viện Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội)
  • Đại học Kinh tế – Đại học Huế
  • Đại học Vinh
  • Đại học Quy Nhơn
  • Đại học Duy Tân
  • Đại học Kinh tế Nghệ An
  • Đại học Hà Tĩnh
  • Đại học Phú Xuân
  • Đại học Quảng Bình
  • Đại học Nha Trang
  • Đại học Đông Á
  • Đại học Phan Thiết
  • Đại học Quảng Nam
  • Đại học Kinh tế TP.HCM
  • Đại học Công nghệ TP.HCM 
  • Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM 
  • Đại học Mở TP.HCM
  • Đại học Sài Gòn
  • Đại học Công nghiệp TP.HCM
  • Đại học Hoa Sen
  • Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM
  • Đại học Quốc tế Hồng Bàng
  • Đại học Cần Thơ
  • Đại học Đồng Tháp
  • Đại học Tây Đô
  • Đại học An Giang
  • Đại học Văn Hiến

Hy vọng bài viết này đã cung cấp thông tin bổ ích cho các bạn đang quan tâm đến lĩnh vực Quản trị nhân lực. Chúc các bạn sẽ tìm được ngôi trường phù hợp với tiêu chí của bản thân để theo học ngành này nhé.