Ngành Quản trị kinh doanh thu hút được sự quan tâm lớn của các bạn trẻ mỗi mùa tuyển sinh đại học. Ngành học này có gì thú vị mà lại hấp dẫn thí sinh như thế? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Ngành Quản trị kinh doanh là gì?
Quản trị kinh doanh là việc thực hiện các hoạt động quản trị trong quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc lập kế hoạch, triển khai kế hoạch, điều khiển lãnh đạo và kiểm tra quy trình nhằm tối đa hóa “hiệu suất” bằng quá trình tư duy và ra quyết định sáng tạo của nhà quản lý.
Ngành Quản trị kinh doanh là một ngành học có tính bao quát, cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức và kỹ năng xoay quanh 2 lĩnh vực là quản trị và kinh doanh. Các bạn có thể tham khảo một số môn học sẽ được dạy khi theo đuổi ngành này như sau:
- Khối kiến thức về quản trị: Quản trị học, Quản trị tài chính doanh nghiệp, Quản trị vận hành, Quản trị chiến lược, Quản trị dự án, Quản trị nhân lực, Quản trị dịch vụ, Quản trị thương hiệu, Quản trị tiền lương, Quản trị hiệu quả công việc,…
- Khối kiến thức về kinh doanh: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Trò chơi và nhận thức kinh doanh, Kinh doanh số, Digital Marketing, Giao dịch và đàm phán kinh doanh, Phân tích hoạt động kinh doanh,…
Các trường đại học sẽ có chương trình đào tạo riêng nhưng nhìn chung thì các bạn sẽ cần khoảng 3 – 4 năm để hoàn thành chương trình học cử nhân Quản trị kinh doanh.
Triển vọng nghề nghiệp ngành Quản trị kinh doanh
Có ý kiến cho rằng học Quản trị kinh doanh là để làm “sếp”. Vậy điều này có thực sự đúng hay không? Các bạn hãy tham khảo những vị trí việc làm dành cho người tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh nhé.
Vị trí việc làm
Ngành nghề nào cũng cần bắt đầu từ những bước đi nhỏ đầu tiên. Và học ngành Quản trị kinh doanh cũng thế. Sau khi tốt nghiệp bạn có thể đảm nhiệm những công việc sau:
- Nhân viên kinh doanh: Sinh viên mới ra trường hoặc người có dưới 3 năm kinh nghiệm thường sẽ đảm nhận vị trí này. Tìm kiếm, phát triển khách hàng tiềm năng, tư vấn và bán sản phẩm/dịch vụ của công ty, đồng thời duy trì mối quan hệ với khách hàng hiện tại.
- Nhân viên nghiên cứu thị trường: Thu thập và phân tích dữ liệu về xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh và nhu cầu khách hàng để hỗ trợ phát triển chiến lược kinh doanh. Đây cũng là vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.
- Trưởng phòng kinh doanh: Quản lý đội ngũ nhân viên kinh doanh, đề xuất và thực hiện chiến lược kinh doanh để đạt được các mục tiêu doanh thu. Để lên đến vị trí này thì trước đó bạn cần là một chuyên viên kinh doanh xuất sắc và có ít nhất 3 – 5 năm kinh nghiệm.
- Giám đốc kinh doanh (CCO): Chịu trách nhiệm tổng thể về doanh thu và lợi nhuận, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Đồng thời là người phân tích, dự báo về thị trường để tham mưu cho ban lãnh đạo công ty. Những người làm việc ở vị trí này thường có khoảng 7 – 10 năm kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu rộng và khả năng lãnh đạo tài tình.
- Nhà tư vấn chiến lược kinh doanh: Phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp tối ưu hóa hoạt động và phát triển kinh doanh hiệu quả. Làm việc ở vị trí này thì khách hàng của bạn sẽ là những công ty khác nhau đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn kinh doanh.
- Giảng viên về Quản trị kinh doanh: Bạn sẽ cần học thêm sau đại học từ bậc thạc sĩ trở lên, tích lũy kinh nghiệm qua các dự án thực tế rồi sẽ bắt đầu tham gia giảng dạy ngành này tại các trường đại học, học viện, cao đẳng hoặc trung cấp.
Ngoài ra, nếu có ý tưởng kinh doanh hay, đủ năng lực tự làm chủ và nguồn lực tài chính tốt thì ngay từ khi tốt nghiệp bạn đã có thể bắt đầu mở công ty, lập dự án của riêng mình.
Thu nhập
Có thể nói khi làm việc trong bộ phận kinh doanh thì bạn sẽ có mức thu nhập khá tốt so với mặt bằng chung của thị trường. Mức lương sẽ tùy thuộc vào năng lực cá nhân của từng người, quy mô công ty, khối lượng công việc và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên các bạn có thể tham khảo bảng lương sau đây để có cái nhìn tổng quan về ngành nhé:
Vị trí việc làm | Mức lương |
Nhân viên kinh doanh | 8 – 12 triệu đồng/tháng |
Chuyên viên nghiên cứu thị trường | 8 – 12 triệu đồng/tháng |
Trưởng phòng kinh doanh | 25 – 40 triệu đồng/tháng |
Giám đốc kinh doanh (CCO) | 50 – 100 triệu đồng/tháng |
Nhà tư vấn chiến lược kinh doanh | 30 – 80 triệu đồng/tháng |
Giảng viên về Quản trị kinh doanh | 15 – 30 triệu đồng/tháng |
Trên đây chỉ là mức lương theo vị trí công việc để bạn tham khảo. Ngành kinh doanh sẽ luôn có thưởng doanh số khi bạn có kết quả làm việc tốt nên thu nhập của bạn có thể tăng cao hơn nhiều so với mức lương nêu trên.
Danh sách trường đại học đào tạo Quản trị kinh doanh
Để theo học Quản trị kinh doanh, các bạn có thể chọn trường đại học theo danh sách gợi ý dưới đây nhé:
Miền Bắc | Miền Trung | Miền Nam |
|
|
|
Nếu bạn chưa biết làm thế nào để chọn trường đại học phù hợp với mình thì hãy tìm hiểu về các trường đại học theo tiêu chí dưới đây:
- Cơ sở vật chất
- Đội ngũ giảng viên
- Chương trình và thời gian đào tạo
- Cơ hội thực hành, thực tập
- Điểm chuẩn các năm trước
- Học phí
Chúc các bạn sẽ trúng tuyển vào trường đại học yêu thích để mở lối thành công cho tương lai nhé!