Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chính là câu trả lời dành cho bạn trẻ nào đang muốn tìm ngành học năng động, ra trường lương cao và nhiều cơ hội vươn tầm quốc tế. Vậy học Logistics có gì thú vị? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Logistics đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi đất nước và trên toàn cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ về thương mại điện tử và kinh tế số như hiện nay thì ngành Logistics càng có sự phát triển mạnh mẽ nhằm cải tiến quy trình cung ứng sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Theo số liệu của Bộ Công thương vào năm 2022, số lượng nhân sự được đào tạo bài bản về Logistics tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu thực tế của thị trường. Do đó, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm rộng mở khi lựa chọn ngành học này.
Mục lục
Ngành Logistics là gì? Học gì?
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là tên đầy đủ của ngành học đang thu hút hàng ngàn thí sinh mỗi mùa tuyển sinh đại học này. Các bạn có thể hiểu ngành Logistics là sự kết hợp giữa hai lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Trong đó, Logistics bao gồm các hoạt động như vận chuyển, lưu kho, đóng gói và kiểm soát hàng hóa; Quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Management) bao gồm việc quản lý tất cả các quy trình từ mua nguyên liệu, sản xuất, quản lý tồn kho, đến phân phối hàng hóa và dịch vụ. Vai trò của ngành dịch vụ này là đảm bảo quá trình từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến phân phối hàng hóa diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và tiện lợi.
Các môn học mà bạn sẽ tiếp cận khi là một sinh viên Logistics có thể bao gồm:
- Nhập môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
- Luật thương mại quốc tế
- Chính sách thương mại quốc tế
- Giao nhận vận tải quốc tế
- Quản lý kênh phân phối
- Quản trị chuỗi cung ứng
- Quản trị các hệ thống Logistics
- Quản trị xuất nhập khẩu
- Quản trị thu mua
- Quản trị kho hàng
- Nghiệp vụ hải quan
- Quản trị rủi ro và an toàn trong cung ứng
- …
Đây là một số môn học chuyên ngành mà đa số các trường đại đang đào tạo hiện nay. Ngoài ra, mỗi trường sẽ có một định hướng riêng nên có thể sẽ có thêm có thêm các học phần khác về thực hành, thực tập, kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Học Logistics ra trường làm nghề gì?
Tốt nghiệp cử nhân Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, bạn có thể làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cung ứng hàng hoá. Một số vị trí việc làm mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
Chuyên viên quản trị kho hàng
Công việc chính của bạn là quản lý, tối ưu hóa các hoạt động trong kho hàng, từ việc nhập xuất hàng hóa đến quản lý tồn kho. Đồng thời bạn cũng sẽ có trách nhiệm xây dựng và vận hành hệ thống quản lý kho hàng hiệu quả.
Mức lương của vị trí này dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng nếu bạn có dưới 3 năm kinh nghiệm. Khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoặc thăng tiến lên các vị trí quản lý thì thu nhập sẽ được nâng cao đáng kể.
Nhân viên kinh doanh Logistics
Công việc chính của bạn là tìm kiếm, phát triển khách hàng mới, tư vấn và bán các dịch vụ Logistics cho khách hàng. Nếu bạn làm việc cho công ty có đội tàu biển thì bạn sẽ là một nhân viên Sales hãng tàu. Nếu bạn làm việc cho công ty không có đội tàu thì bạn sẽ là Sales Forwarder.
Mức lương của vị trí này sẽ rơi vào khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng chưa bao gồm tiền thưởng doanh số. Trên thực tế thì nhân viên kinh doanh Logistics có thể nhận được những khoản thưởng hậu hĩnh cho hiệu suất công việc, giúp thu nhập của họ đạt mức 20 – 30 triệu đồng/tháng.
Chuyên viên chứng từ xuất nhập khẩu
Bạn sẽ đảm nhiệm công việc làm và xử lý các chứng từ xuất nhập khẩu như chứng từ hải quan, chứng từ thanh toán, hồ sơ cấp phép, hồ sơ đăng ký chất lượng, theo dõi hành trình vận chuyển hàng hóa,…
Mức lương của vị trí này dao động trong khoảng 8 – 12 triệu/tháng tuỳ vào kinh nghiệm và đơn vị mà bạn làm việc. Nếu bạn có khả năng ngoại ngữ tốt như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn thì có thể làm việc cho các công ty nước ngoài để có mức thu nhập cao hơn.
Chuyên viên thanh toán quốc tế
Nhiệm vụ của người đảm nhận vị trí này là chịu trách nhiệm tiếp nhận chứng từ và cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế cho khách hàng. Bạn cần kiểm tra giấy tờ, hồ sơ của khách hàng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định; đồng thời hướng dẫn khách hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Bạn cũng sẽ tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, thắc mắc từ khách hàng, cũng như lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến kế toán theo quy định của ngân hàng.
Mức lương của chuyên viên thanh toán quốc tế dao động vào khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng chưa bao gồm các khoản phúc lợi khác.
Nhân viên khai báo hải quan
Bạn sẽ đảm nhận các nhiệm vụ liên quan đến thủ tục khai báo, bao gồm chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ; giám sát quá trình thông quan hàng hóa và thực hiện khai báo hải quan. Bên cạnh đó, vị trí này còn theo dõi các công việc phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu.
Mức lương của vị trí này dao động khoảng 10 – 20 triệu đồng/tháng tùy vào năng lực và kinh nghiệm làm việc.
Giảng viên ngành Logistics
Đây là hướng đi dành cho những bạn muốn tiếp tục đi theo con đường học thuật, nghiên cứu về Logistics. Các bạn có thể học lên chương trình sau đại học, đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên là có thể bắt đầu tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Công việc chính của bạn sẽ là giảng dạy sinh viên, chấm bài tập và bài thi định kỳ, đưa sinh viên đi thực tế và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Mức lương của giảng viên đại học, cao đẳng thì sẽ tùy thuộc vào đơn vị bạn làm việc. Với các trường công lập thì lương tính theo hệ số lương, dựa vào bằng cấp và kinh nghiệm. Với trường ngoài công lập thì sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của bạn và nhà trường, thường dao động ở mức 15 – 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, hiện tại ở Việt Nam có nhiều người muốn chuyển hướng sang làm Logistics dù trước đó không theo học ngành này. Họ sẽ cần những khóa đào tạo ngắn hạn để trang bị kiến thức chuyên môn. Bạn có thể xây dựng các khóa đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp cho người đi làm về Logistics để tăng thêm thu nhập.
Danh sách trường đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
Dưới đây là danh sách các trường đại học đào tạo Logistics và Quản lý Chuỗi Cung ứng uy tín mà các bạn có thể tham khảo cho hành trình học tập tiếp theo của mình:
Miền Bắc | Miền Trung | Miền Nam |
|
|
|
Lĩnh vực Logistics có tiềm năng phát triển lớn và sẽ còn bùng nổ hơn nữa trong bối cảnh thương mại điện tử và giao thương quốc tế đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam. Do đó, học ngành này ngay từ bây giờ thì bạn sẽ có vô vàn cơ hội rộng mở cho tương lai.
Hãy tìm hiểu kỹ về các trường đại học để đưa ra được quyết định chính xác khi chọn trường bạn nhé. Chúc các bạn trở thành tân sinh viên của trường đại học mà bạn yêu thích!