Ngành Kinh tế Xây dựng: Hướng đi sự nghiệp lý tưởng cho Gen Z khối tự nhiên

Ngành Kinh tế xây dựng nằm trong số 12 ngành học thu hút nhất mọi thời kỳ nhờ mức thu nhập khủng của sinh viên sau khi ra trường. Đây sẽ hướng đi lý tưởng dành cho hội Gen Z theo học khối tự nhiên. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Kinh tế xây dựng là ngành học thường được đào tạo ở trường về kỹ thuật với mục tiêu cung cấp đội ngũ kỹ sư được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn phục vụ cho công tác quản lý tài chính trong xây dựng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng hiện nay, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này ngày càng tăng. Chính vì vậy, ngành Kinh tế xây dựng đang tạo ra hàng loạt cơ hội việc làm hấp dẫn cho các bạn Gen Z theo học khối tự nhiên vì ngành này thường xét tuyển các tổ hợp môn của khối A.

ngành kinh tế xây dựng

Ngành Kinh tế Xây dựng là gì? Học gì?

Kinh tế xây dựng là lĩnh vực kết hợp giữa kinh tế và quản lý xây dựng. Các công việc cụ thể là tài chính, kế toán, thống kê; công tác lập và thẩm định dự án đầu tư các công trình xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, quyết toán xây dựng công trình.

Khi học ngành này thì bạn sẽ được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật và quản lý qua các môn học như:

  • Kinh tế đầu tư xây dựng
  • Tài chính doanh nghiệp xây dựng
  • Thống kê trong doanh nghiệp xây dựng
  • Định mức kỹ thuật xây dựng
  • Định giá sản phẩm xây dựng
  • Phân tích và dự báo kinh tế trong xây dựng
  • Lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng
  • Hợp đồng và đấu thầu xây dựng
  • Kế toán doanh nghiệp xây dựng

Trên đây chỉ là một số môn học mà bạn sẽ gặp trong quá trình học Kinh tế xây dựng. Mỗi trường sẽ có định hướng và chương trình đào tạo khác nhau. Ngành này sẽ cần khoảng 4-5 năm để hoàn thành quá trình học nên các bạn cần có sự kiên trì và quyết tâm nhé.

Với sự phát triển của công nghệ, ngành Kinh tế xây dựng đang có những thay đổi đáng kể. Các công nghệ như BIM (Building Information Modeling), AI (Trí tuệ nhân tạo) đang được ứng dụng rộng rãi vào quá trình thiết kế, thi công và quản lý dự án. Việc ứng dụng các công nghệ này giúp tăng hiệu quả làm việc, giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng công trình. Hiện nay cũng đã có một số trường đại học đưa nội dung giảng dạy về công nghệ BIM và AI vào chương trình đào tạo về Kinh tế xây dựng nên các bạn sẽ dễ dàng theo kịp sự phát triển công nghệ sau khi ra trường.

Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp

Hiện tại, các trường đại học đang đào tạo Kinh tế xây dựng theo hệ kỹ sư. Vậy nên sau khi tốt nghiệp thì các bạn sẽ có cơ hội việc làm đa dạng, hấp dẫn tại nhiều vị trí bao gồm:

  • Chuyên viên làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng: Lập kế hoạch, quản lý và giám sát các dự án đầu tư xây dựng, từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn thành.
  • Cán bộ kinh tế kỹ thuật: Bạn sẽ có cơ hội làm việc trong một môi trường năng động, sáng tạo và được tham gia vào toàn bộ quá trình của một dự án xây dựng, từ khâu lập kế hoạch, quản lý tài chính, giám sát thi công đến thanh quyết toán. Bạn sẽ được rèn luyện các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, góp phần vào sự phát triển của bản thân và của doanh nghiệp.

  • Nghiên cứu viên: Làm việc trong các viện nghiên cứu và các đơn vị chuyển giao công nghệ xây dựng, cơ quan ban hành văn bản pháp luật về xây dựng.
  • Cán bộ quản lý đầu tư xây dựng: Đảm nhiệm công tác kiểm toán, thanh tra xây dựng, thẩm định dự án xây dựng làm việc tại các tổ chức ngân hàng, kho bạc, kiểm toán, thanh tra xây dựng.
  • Giảng viên: Làm việc tại các trường cao đẳng, đại học, học viện, trung tâm dạy nghề có đào tạo khối ngành xây dựng.

Mức lương trung bình của kỹ sư Kinh tế xây dựng mới tốt nghiệp là 8-10 triệu đồng/tháng. Nếu bạn có năng lực tốt hơn hoặc đã tranh thủ tích lũy được kinh nghiệm làm việc thực tế trong quá trình học thì có thể đạt mức lương 12 – 15 triệu đồng/tháng ngay sau khi ra trường. Ngoài ra, trong vòng 5 năm sau khi ra trường thì bạn có thể đạt thu nhập 35 triệu đồng/tháng.


Danh sách trường đào tạo Kinh tế xây dựng

Dưới đây là danh sách các trường có đào tạo ngành Kinh tế xây dựng được chia theo vùng miền để các bạn có sự lựa chọn phù hợp cho tương lai:

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Trường Đại học Giao thông vận tải
  • Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
  • Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
  • Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải
  • Trường Đại học Phương Đông
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Thủy Lợi
  • Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng
  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Xây dựng Miền Trung
  • Đại học Huế phân hiệu Quảng Trị
  • Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM
  • Trường Đại học Giao thông vận tải Phân hiệu TPHCM
  • Trường Đại học Bách khoa TP HCM

Đứng trước nhiều sự lựa chọn thì chúng ta nên làm thế nào để chọn được trường đại học lý tưởng? Các bạn hãy tìm hiểu kỹ thông tin về trường, đặc biệt là các yếu tố sau nhé:

  • Cơ sở vật chất, điều kiện học tập, trang thiết bị thực hành
  • Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập
  • Học phí và các chính sách hỗ trợ học phí, học bổng sinh viên
  • Cơ hội thực hành, thực tập và kết nối việc làm từ nhà trường
  • Mức điểm chuẩn trong vòng 3 năm gần nhất

Khi tìm hiểu kỹ những điều trên thì các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về trường đại học, so sánh được các trường với nhau để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Chúc các bạn thành công.