Ngành Công nghệ tài chính ra trường có dễ xin việc không?

Công nghệ tài chính là một ngành học mới bắt đầu được đào tạo ở bậc đại học tại Việt Nam trong những năm gần đây. Vậy học ngành Công nghệ tài chính ra trường có dễ xin việc không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Khi tìm hiểu về ngành học ở bậc đại học thì điều mà học sinh cũng như các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất là ra trường có dễ tìm việc làm hay không. Đặc biệt, với những ngành học còn là khái niệm mới mẻ như Công nghệ tài chính thì sẽ khiến cho nhiều người băn khoăn.

Trên thực tế, khi thị trường có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đúng chuyên ngành, được đào tạo bài bản thì các trường đại học mới lập ra ngành học để đào tạo. Ngành Công nghệ tài chính được dự báo sẽ mang lại những cơ hội nghề nghiệp “hái ra tiền” trong tương lai gần.

Học Công nghệ tài chính ra làm gì?

Công nghệ tài chính (Fintech) là sự kết hợp giữa Công nghệ (Technology) và Tài chính. Nhờ có công nghệ hiện đại mà những dịch vụ tài chính trở nên nhanh gọn, thuận tiện và nâng cao tính bảo mật.

Ví dụ: Ở thời kỳ trước, muốn chuyển tiền thì bạn sẽ phải đến quầy giao dịch của ngân hàng, điền thông tin chuyển khoản thì mới gửi được cho người khác. Nhưng từ khi có hệ thống ATM và Internet Banking thì bạn có thể dễ dàng tự thực hiện thao tác chuyển tiền mọi lúc mọi nơi mà chỉ mất khoảng vài giây.

Công nghệ tài chính

Học ngành Fintech thì bạn có thể làm việc ở các vị trí như sau:

Lập trình viên Fintech

Không phải lập trình viên thông thường như những người học Công nghệ thông tin (IT) mà lập trình viên Fintech sẽ được đào tạo chuyên sâu về tài chính và ngân hàng. Trở thành một lập trình viên Fintech, các bạn sẽ là người xây dựng, phát triển, phân tích, thiết kế, bảo trì, vận hành, nâng cấp các phần mềm hoặc ứng dụng cho ngân hàng và công ty tài chính. Vai trò của các bạn là đảm bảo khách hàng của ngân hàng hoặc doanh nghiệp sẽ có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng phần mềm, ứng dụng.

Chuyên viên phân tích dữ liệu

Data Analyst (Chuyên viên phân tích dữ liệu) là những người sẽ trực tiếp thu thập các số liệu phản ánh tình hình kinh doanh, tiến hành phân tích và đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động cho tổ chức, doanh nghiệp. Trước đây vị trí này thường tuyển nhân lực từ các ngành như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính,… nhưng với lĩnh vực tài chính và ngân hàng thì các tổ chức, doanh nghiệp sẽ dành sự ưu tiên nhiều hơn cho người tốt nghiệp ngành Công nghệ tài chính.

Chuyên gia phân tích tài chính

Các công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư là những đơn vị luôn “săn lùng” các chuyên gia phân tích tài chính một cách mạnh mẽ. Bởi vì dựa vào số liệu, xu hướng thị trường thì các chuyên gia phân tích tài chính sẽ đưa ra được các đề xuất về đầu tư và kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế cho họ.

Chuyên viên bảo mật tài chính

Bảo mật thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là điều tối quan trọng. Không có khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính nào muốn thông tin của mình bị lộ hay bị giả mạo. Do đó, trong các doanh nghiệp tài chính và các ngân hàng luôn có nhân sự chịu trách nhiệm bảo mật thông tin cho khách hàng, đảm bảo các dữ liệu quan trọng không bị đánh cắp bởi bên thứ ba. Vị trí này rất phù hợp với người tốt nghiệp ngành công nghệ tài chính vì đã được đào tạo bài bản cả về công nghệ thông tin và tài chính ngân hàng.

Chuyên viên phát triển sản phẩm và dịch vụ số

Chuyên viên phát triển sản phẩm và dịch vụ số là những người chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển, vận hành, quản trị hệ thống, xây dựng tài liệu hướng dẫn để mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, khi làm việc ở vị trí này thì các bạn cũng cần xây dựng báo cáo quản trị định kỳ về sản phẩm, dịch vụ và đưa ra các đề xuất nhằm cải tiến sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp hoặc ngân hàng.

Mức lương ngành Công nghệ tài chính

Bởi vì là một ngành “khát” nhân lực giỏi, được đào tạo bài bản nên mức lương của ngành Fintech cũng sẽ cao hơn những ngành khác. Càng có nhiều kinh nghiệm và năng lực càng giỏi thì bạn càng nhận được mức lương hấp dẫn.

Vị trí/Kinh nghiệm Mới ra trường Kinh nghiệm 2-3 năm hoặc cấp quản lý bộ phận Kinh nghiệm 4 – 5 năm trở lên hoặc lãnh đạo
Lập trình viên Fintech 8 – 12 triệu đồng/tháng 15 – 25 triệu đồng/tháng 30 – 60 triệu đồng/tháng
Chuyên viên phân tích dữ liệu 8 – 10 triệu đồng/tháng 12 – 15 triệu đồng/tháng 17 – 24 triệu đồng/tháng
Chuyên gia phân tích tài chính 10 – 20 triệu đồng/tháng 20 – 45 triệu đồng/tháng 50 – 100 triệu đồng/tháng
Chuyên viên bảo mật tài chính 11 – 16 triệu đồng/tháng 20 – 30 triệu đồng/tháng 35 – 70 triệu đồng/tháng
Chuyên viên phát triển sản phẩm tài chính 8 – 10 triệu đồng/tháng 12 – 20 triệu đồng/tháng 40 – 45 triệu đồng/tháng

Bảng trên chỉ là mức lương tham khảo của ngành Fintech. Trên thực tế thì các ngân hàng và công ty tài chính luôn có chế độ thưởng theo quý, theo năm rất hậu hĩnh cho nhân viên có thành tích làm việc tốt. Các bạn sẽ có nhiều cơ hội để hưởng mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn khi theo đuổi ngành công nghệ tài chính đó.

Trường đại học đào tạo Công nghệ tài chính

Là một ngành học hứa hẹn mang tới cơ hội “hái ra tiền”, đón đầu xu hướng phát triển của xã hội nên có khá nhiều trường đại học đang triển khai đào tạo. Các bạn có thể cân nhắc lựa chọn cho mình từ danh sách sau:

  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Thương mại
  • Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
  • Trường Đại học FPT
  • Trường ĐH Ngoại thương
  • Trường ĐH Kinh tế quốc dân
  • Trường ĐH Đà Lạt
  • Trường ĐH Quy Nhơn
  • Trường ĐH Hoa Sen
  • Trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM
  • Trường ĐH Ngân hàng TPHCM
  • Trường ĐH Bà Rịa Vũng Tàu

Lưu ý, công nghệ tài chính là lĩnh vực phát triển nhanh và yêu cầu cao về khả năng làm việc thực tế thay vì kiến thức lý thuyết nên khi chọn trường các bạn hãy tìm hiểu kỹ về những yếu tố sau:

  • Thời gian đào tạo
  • Thời lượng học thực hành
  • Cơ hội thực tập tại doanh nghiệp, ngân hàng
  • Chương trình giới thiệu việc làm của trường
  • Học phí

Chúc các bạn sẽ tìm được trường đại học lý tưởng nhất để theo đuổi ngành Fintech và sớm đạt được thành công trong tương lai.