Ngành Công nghệ bán dẫn sẽ là cánh cửa mở ra tương lai rực rỡ cho Gen Z đam mê kỹ thuật vì dự tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 50.000 kỹ sư để phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp tỷ đô này.
Ngành Công nghệ bán dẫn đang ngày càng trở nên quan trọng và đóng vai trò thiết yếu trong mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay các thiết bị thông minh trong nhà, tất cả đều không thể hoạt động mà thiếu các thành phần bán dẫn. Đây cũng là ngành đang có mức tăng trưởng ấn tượng, trung bình khoảng 14% mỗi năm và dự kiến sẽ chạm ngưỡng doanh thu 1000 tỷ USD vào năm 2030.
Với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, lĩnh vực bán dẫn luôn “khát” nhân lực được đào tạo bài bản. Theo ước tính thì từ nay đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư bán dẫn để phục vụ cho ngành công nghiệp tỷ đô này. Tin vui là nhiều trường đại học đã sớm bắt tay vào việc đào tạo kỹ sư bán dẫn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ngành học này ngày dưới đây.
Mục lục
Ngành Công nghệ bán dẫn là gì? Học gì?
Công nghệ bán dẫn là một lĩnh vực chuyên nghiên cứu và sản xuất các vật liệu có tính chất bán dẫn, những chất có khả năng dẫn điện nằm giữa chất cách điện và chất dẫn điện. Các vật liệu bán dẫn được sử dụng để chế tạo các vi mạch và chip điện tử, đóng vai trò cốt lõi trong việc vận hành các thiết bị điện tử hiện đại.
Công nghệ bán dẫn không chỉ dừng lại ở sản xuất các vật liệu này, mà còn liên quan đến các quy trình thiết kế, sản xuất, kiểm tra và tích hợp các hệ thống vi mạch vào trong các sản phẩm công nghệ.
Khi học ngành Công nghệ bán dẫn thì các bạn sẽ được trang bị kiến thức chuyên ngành thông qua các môn học về kỹ thuật và công nghệ như:
- Mô phỏng cho các thiết bị vi điện tử
- Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano
- Kỹ thuật cảm biến
- Xử lý tín hiệu số
- Điện tử số
- Vi xử lý và vi điều khiển
- Công nghệ chế tạo bán dẫn
- Bán dẫn và vật liệu điện tử
- Trường điện từ trong vi điện tử
- Thiết kế vi mạch
- Đóng gói, kiểm tra và chất lượng linh kiện
- …
Chương trình học ở từng trường đại học sẽ có sự khác nhau tùy vào định hướng đào tạo, trên đây chỉ là những môn học cho bạn tham khảo thôi nhé. Nếu các bạn muốn biết chính xác về môn học của từng trường thì hãy tìm hiểu chương trình đào tạo của họ nhé.
Cơ hội việc làm lĩnh vực Công nghệ bán dẫn
Kỹ thuật viên kiểm soát chất lượng
Đây là những người trực tiếp kiểm tra và đánh giá chất lượng của các sản phẩm bán dẫn tại mọi giai đoạn sản xuất. Công việc chính bao gồm:
- Kiểm tra mẫu: Đánh giá kỹ lưỡng các mẫu sản phẩm để đảm bảo chúng tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng đã đặt ra.
- Chuẩn hóa quy trình kiểm tra: Xây dựng và cải tiến các quy trình kiểm tra nhằm tăng hiệu quả và độ chính xác.
- Đảm bảo chất lượng: Đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm đều đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe trước khi đưa ra thị trường.
Kỹ thuật viên giám sát quy trình đóng gói
Chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình đóng gói sản phẩm bán dẫn, từ việc lựa chọn vật liệu đóng gói cho đến việc niêm phong và vận chuyển. Mục tiêu chính là đảm bảo sản phẩm được bảo vệ an toàn trong quá trình vận chuyển và đến tay người tiêu dùng trong tình trạng hoàn hảo.
Nghiên cứu viên
Những người làm công tác nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các vật liệu và công nghệ mới trong ngành bán dẫn. Họ làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, tổ chức khoa học hoặc các doanh nghiệp trong ngành. Công việc chính bao gồm:
- Nghiên cứu và phát triển: Nghiên cứu các công nghệ mới, vật liệu mới để cải tiến hiệu suất và giảm kích thước của các linh kiện bán dẫn.
- Giải quyết vấn đề: Tìm ra các giải pháp kỹ thuật để khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất.
Giảng viên lĩnh vực bán dẫn
Đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và cập nhật những công nghệ mới nhất cho sinh viên. Để làm được vị trí này thì sau khi tốt nghiệp bạn cần học thêm chương trình sau đại học, có học vị từ thạc sĩ trở lên thì mới có thể bắt đầu tham gia giảng dạy. Công việc chính bao gồm:
- Thiết kế và giảng dạy các môn học: Xây dựng chương trình giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu học tập và trực tiếp giảng dạy các môn học liên quan đến công nghệ bán dẫn như thiết kế vi mạch, công nghệ chế tạo, vật liệu bán dẫn, v.v.
- Hướng dẫn sinh viên: Hướng dẫn sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu, đồ án tốt nghiệp, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.
- Nghiên cứu khoa học: Tiến hành các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bán dẫn để đóng góp vào sự phát triển của ngành và cập nhật kiến thức cho công tác giảng dạy.
- Hợp tác với doanh nghiệp: Kết nối với các doanh nghiệp trong ngành để tạo cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên và cập nhật những xu hướng mới nhất của thị trường.
Danh sách trường đại học đào tạo Công nghệ bán dẫn
Hiện đã có nhiều trường đại học tại Việt Nam mở chương trình đào tạo về bán dẫn. Một số trường còn tổ chức đào tạo liên kết với nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore,… để tạo nguồn nhân lực có khả năng làm việc tốt trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Bạn có thể lựa chọn địa điểm học tập phù hợp với mình dựa theo danh sách gợi ý dưới đây:
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Quốc gia Hà Nội
- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
- Trường Đại học Đại Nam
- Đại học Đà Nẵng
- Trường Đại học Cần Thơ
- Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn
- Trường Đại học FPT
- Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Khi chọn trường đại học thì các bạn hãy tìm hiểu kỹ về nơi mà mình muốn học thông qua các yếu tố như cơ sở vật chất, chương trình học, đội ngũ giảng viên, học phí, học bổng và các chương trình liên kết với nước ngoài. Đặc biệt, đây là ngành học khối kỹ thuật nên sẽ đòi hỏi nhiều về thực hành và thực tập nên các bạn hãy ưu tiên chọn những trường có thể mang tới cho mình nhiều cơ hội học tập từ thực tiễn nhé.
Chúc các bạn sẽ trúng tuyển vào trường đại học yêu thích để theo đuổi ngành học đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ này nhé!