Chọn ngành học phù hợp là viên gạch đầu tiên để Gen Z xây dựng nền tảng, hướng đến thành công trong tương lai. Hãy làm theo 5 bước được hướng dẫn trong bài viết này để chọn được ngành học phù hợp, dễ xin việc, thu nhập tốt nhé.
Mục lục
Ngành học là gì?
Chắc hẳn nhiều bạn Gen Z còn bỡ ngỡ khi nhắc đến khái niệm ngành học ở các trường đại học hoặc học viện. Các bạn có thể hiểu đơn giản rằng ngành học là lĩnh vực học tập và nghiên cứu chuyên môn về một mảng cụ thể.
Sinh viên sẽ được học lý thuyết, thực hành và rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp tùy theo yêu cầu của ngành học. Mỗi ngành học sẽ có chương trình đào tạo riêng, cũng sẽ có hàng chục môn học khác nhau chứ không giới hạn trong 12 môn quen thuộc như ở THPT.
Khi tiếp xúc với chương trình đào tạo bậc đại học thì các bạn sẽ gặp thêm một khái niệm khác là chuyên ngành. Trong một ngành học có thể có nhiều chuyên ngành để sinh viên lựa chọn các định hướng phát triển khác nhau.
Ví dụ: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là một ngành học, trong đó có thể chia ra làm 2 chuyên ngành để sinh viên lựa chọn là Quản trị lữ hành và Quản trị khách sạn.
Ở bước đầu khi đăng ký xét tuyển đại học thì các bạn chỉ cần chọn ngành học đúng sở thích và năng lực. Về chuyên ngành thì thường sẽ bắt đầu chọn khi bạn là sinh viên năm 2 hoặc năm 3 nhé.
5 bước chọn ngành học phù hợp cho Gen Z
Bước 1: Xác định mục tiêu công việc tương lai
Khi bạn đặt ra được mục tiêu công việc cho mình thì sẽ dễ dàng chọn ngành học phù hợp hơn. Bạn hãy trả lời những câu hỏi dưới đây để xác định được mục tiêu nghề nghiệp tương lai:
- Bạn muốn làm nghề gì?
- Bạn cảm thấy hứng thú trong việc gì?
- Bạn mong muốn sẽ có mức thu nhập nào?
- Mức độ chịu áp lực của bạn như thế nào?
- Môi trường nào sẽ tạo được cảm hứng làm việc cho bạn?
Sau khi tốt nghiệp thì công việc là thứ sẽ gắn bó với bạn ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Do đó, ngay từ khi chọn ngành, chọn trường bạn đã phải có hình dung rõ ràng về nghề nghiệp tương lai của mình.
Bước 2: Đánh giá năng lực bản thân
Có 3 yếu tố mà bạn cần xem xét để đánh giá chính xác năng lực của bản thân bao gồm:
- Kiến thức
- Kỹ năng
- Tính cách
Về kiến thức, bạn hãy tìm hiểu tổ hợp môn xét tuyển và điểm chuẩn các năm trước của ngành học mà mình đang nhắm tới xem bản thân có đủ năng lực hay không. Ví dụ bạn hướng tới ngành Y khoa thì bạn cần có điểm học bạ hoặc điểm thi đáp ứng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường có đào tạo ngành này.
Về kỹ năng, bạn hãy suy nghĩ xem mình giỏi trong kỹ năng nào. Chẳng hạn bạn là người giỏi tính toán thì hãy chọn ngành học khối kinh tế, kỹ thuật. Hoặc bạn là người giỏi viết lách thì hãy chọn các ngành học khoa học xã hội.
Về tính cách, bạn có thể thử làm những bài trắc nghiệm để xác định xem mình là kiểu người nào, phù hợp với công việc gì. Điều này giúp bạn không chọn nhầm ngành, có được sự thoải mái khi làm việc.
Bước 3: Tìm hiểu nhu cầu của xã hội
Khi chọn ngành thì bạn cần biết sẽ phải dành ra tối thiểu 3 – 4 năm để hoàn thành chương trình đại học. Trong thời gian đó xã hội sẽ phát triển không ngừng, công nghệ ngày càng hiện đại hơn, nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực cũng sẽ có sự thay đổi. Có thể một ngành hiện tại đang có rất nhiều nhu cầu tuyển dụng nhưng sau 3 – 4 năm nữa thì chưa chắc. Để không rơi vào tình trạng thất nghiệp thì các bạn nên đánh giá cẩn thận về ngành đã chọn và tham khảo thêm ý kiến của người đi trước nhé.
Bước 4: Cân nhắc hoàn cảnh gia đình
Dù bạn chọn học ngành nào thì cũng phải cân nhắc đến điều kiện kinh tế của gia đình. Có thể bạn rất yêu thích một ngành nhưng học phí cao, thời gian đào tạo dài thì sẽ gây nên gánh nặng cho gia đình và bản thân bạn cũng khó tập trung học tập tốt được.
Nếu bạn là một người có thành tích xuất sắc, được các trường đại học hay doanh nghiệp cấp học bổng thì không phải lo lắng về điều này. Nhưng nếu bạn và gia đình phải tự túc chi trả học phí thì hãy suy nghĩ kỹ nha.
Hãy tham khảo ý kiến của gia đình để chắc chắn rằng bạn không chọn ngành học vượt quá khả năng tài chính của người thân nhé.
Bước 5: Chọn trường đại học phù hợp
Sau khi chọn được ngành học rồi thì các bạn hãy tìm hiểu về các trường đại học, học viện đang tuyển sinh ngành đó. Các tiêu chí để bạn đánh giá về một trường đại học có tốt và phù hợp với bạn hay không bao gồm:
- Chương trình đào tạo
- Đội ngũ giảng viên
- Cơ hội thực hành, thực tập trong quá trình học
- Tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau tốt nghiệp
- Chương trình học bổng của trường
- Thời gian đào tạo
- Học phí
Hy vọng các bước chọn ngành học được hướng dẫn trong bài viết này có thể giúp Gen Z chọn đúng lĩnh vực phù hợp với bản thân, mở ra tương lai tươi sáng. Chúc các bạn thành công!