Cơ điện tử học gì? Cơ hội việc làm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử

Cơ điện tử học gì? Ra trường làm gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ ngành học, kiến thức cần trang bị và cơ hội việc làm hấp dẫn sau khi ra trường. Khám phá ngay!

Tên đầy đủ của ngành học này là Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử – một lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật, kết hợp giữa cơ khí, điện tử, tự động hóa và công nghệ thông tin.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra cực kỳ mạnh mẽ thì cơ điện tử có ứng dụng rộng rãi ở mọi mặt trong cuộc sống như: dây chuyền tự động trong sản xuất công nghiệp, thiết bị thông minh đời sống hay thiết bị phẫu thuật trong y tế công nghệ cao. Có thể nói chọn học ngành này ở thời điểm hiện tại thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

cơ điện tử

Cơ điện tử là học gì?

Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử được đưa vào các trường đại học với mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư có khả năng vận dụng kiến thức để tính toán, thiết kế, phân tích, đánh giá, xây dựng các giải pháp cho vấn đề chuyên môn liên quan đến cơ khí, kỹ thuật, công nghệ và tự động hoá.

Do đó, ngoài các môn học chung về chính trị, thể chất, ngoại ngữ mà hầu như sinh viên mọi ngành đều cần hoàn thành thì các bạn sẽ học những môn chuyên về kỹ thuật như:

  • Cơ học kỹ thuật
  • Lý thuyết điều khiển tự động
  • Cơ sở thiết kế máy
  • Công nghệ chế tạo máy
  • Thực hành cơ điện tử, CNC, PLC,..
  • Thiết kế hệ thống cơ điện tử
  • Robot công nghiệp
  • Hệ thống sản xuất tự động
  • Kỹ thuật điện tử

Những môn học chuyên ngành này sẽ giúp các bạn trang bị kiến thức và kỹ năng để chế tạo, vận hành và điều khiển các thiết bị tự động, thông minh phục vụ cho đời sống và hoạt động sản xuất.

Cơ hội việc làm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử

Với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu về nhân lực ngành cơ điện tử đang tăng mạnh. Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ là kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng tiếp nhận công việc tại các vị trí quan trọng như sau:

Kỹ sư thiết kế và chế tạo

Tập trung vào việc thiết kế các hệ thống phần cứng, phần mềm, dây chuyền sản xuất tự động, robot và chế tạo các thiết bị máy móc phục vụ cho quá trình tự động hóa. Bạn sẽ là người chịu trách nhiệm đưa ra ý tưởng, xây dựng bản vẽ, thử nghiệm tính năng và giám sát quá trình sản xuất những thiết bị đó. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết và sự tỉ mỉ nên các bạn thực sự đam mê kỹ thuật, máy móc sẽ rất yêu thích.

cơ điện tử

Kỹ sư vận hành và bảo trì

Chịu trách nhiệm vận hành, giám sát và bảo trì các hệ thống máy móc, thiết bị tự động nhằm đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả trong đời sống và sản xuất. Tuy bạn không trực tiếp chế tạo ra những thiết bị đó nhưng bạn cần có nền tảng kiến thức vững vàng để vận hành một cách hiệu quả, phát hiện sớm các lỗi kỹ thuật để có phương án khắc phục phù hợp. Ngoài ra, có thể bạn sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn người khác cách sử dụng những thiết bị này hiệu quả.

Chuyên viên tư vấn công nghệ

Nhiệm vụ của bạn là tư vấn giải pháp công nghệ, thiết kế kỹ thuật, lập trình hệ thống điều khiển, lắp đặt và chuyển giao công nghệ cho các hệ thống tự động và bán tự động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử. Giải pháp ở đây không giới hạn là về máy móc, thiết bị mà còn có thể là về phần mềm và hệ thống quản lý. Công việc này có một điểm khác biệt hơn là bạn sẽ cần đi công tác thường xuyên để gặp gỡ và thuyết phục khách hàng.

cơ điện tử

Chuyên viên hoạch định dự án

Ngày nay, các công ty, doanh nghiệp lớn cũng có xu hướng tìm kiếm chuyên viên về hoạch định dự án, đầu tư về kỹ thuật cơ điện tử để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Lập kế hoạch, phân tích tính khả thi và xây dựng các dự án liên quan đến cơ điện tử, đảm bảo hiệu quả về kỹ thuật và tài chính.

Các vị trí việc làm nêu trên thì các bạn có thể làm việc trong thời gian mới tốt nghiệp hoặc có dưới 5 năm kinh nghiệm. Sau khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đồng thời có sự phát triển bản thân tốt thì bạn có thể thăng tiến lên các vị trí quản lý. Tầm nhìn sau khi tốt nghiệp khoảng 10 năm bạn có thể thăng tiến tới vị trí giám đốc kỹ thuật.

Danh sách trường đại học đào tạo Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử

Hầu hết các trường đại học có khối ngành kỹ thuật đều có ngành đào tạo này. Dưới đây là danh sách các trường đại học có chất lượng tốt và uy tín để các bạn tham khảo trong quá trình chọn ngành, chọn trường.

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Đại học Bách khoa Hà Nội
  • Học viện kỹ thuật quân sự
  • Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN
  • Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
  • Trường Đại học Điện lực
  • Trường Đại học Giao thông vận tải
  • Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải
  • Trường Đại học Thuỷ lợi
  • Trường Đại học Lâm nghiệp
  • Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
  • Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên
  • Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam ĐỊnh
  • Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh
  • Trường Đại học Nha Trang
  • Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM
  • Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM
  • Trường Đại học Công nghiệp TPHCM
  • Trường Đại học Công nghệ TPHCM
  • Trường Đại học Nông lâm TPHCM
  • Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn
  • Trường Đại học Công thương
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Trường Đại học Văn Lang
  • Trường Đại học Cần Thơ
  • Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ

Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử không chỉ là một ngành học thú vị mà còn mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này, bạn cần có sự kiên trì, bền bỉ, không ngừng nỗ lực và cập nhật công nghệ mới. Nếu đam mê kỹ thuật và muốn đóng góp cho sự phát triển về khoa học kỹ thuật thì đây chắc chắn là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn.

Chúc các bạn chọn được trường đại học lý tưởng để theo đuổi ngành học thú vị này!