Ngành Luật: Sự lựa chọn hoàn hảo cho Gen Z khối xã hội

Ngành Luật học là sự lựa chọn của hàng ngàn thí sinh theo học khối C, D vì sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp phong phú và thu nhập hấp dẫn. Vậy học Luật có gì thú vị? Hãy cùng khám phá nha!

Có nhiều người cho rằng Luật là một ngành học khô khan và nhàm chán. Tuy nhiên, trên thực tế thì ngành học này lại có rất nhiều điều thú vị để khám phá và sẽ là con đường dẫn tới sự nghiệp thành công rực rỡ cho bạn trong tương lai.

ngành luật

Ngành Luật là gì? Học gì?

Ngành Luật học là một trong những lĩnh vực được xã hội đánh giá cao về tính chuyên nghiệp và vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự, công bằng và phát triển xã hội. Luật học nghiên cứu về các quy định, hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Sinh viên Luật sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về pháp luật, tư pháp, quản lý hành chính công và các lĩnh vực liên quan đến pháp lý. Với sự thay đổi không ngừng của xã hội và sự hội nhập toàn cầu, nhu cầu về những chuyên gia luật giỏi, hiểu biết sâu rộng về luật pháp trong nước và quốc tế ngày càng tăng cao.

Chương trình đào tạo Luật học được xây dựng để cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức pháp luật vững chắc và kỹ năng thực hành chuyên sâu. Các môn học chính mà sinh viên Luật tại Việt Nam sẽ được học thường bao gồm:

  • Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật
  • Luật Hành chính Việt Nam
  • Luật Dân sự
  • Luật Đầu tư
  • Luật Thương mại
  • Luật Tài chính
  • Luật Ngân hàng
  • Luật Hình sự
  • Luật Môi trường
  • Luật Lao động
  • Pháp luật phòng, chống tham nhũng

Ngoài những môn học chính về pháp luật hiện hành tại Việt Nam thì các bạn sẽ học thêm những môn về luật quốc tế và các kỹ năng mềm như kỹ năng tư duy pháp lý, kỹ năng nghiên cứu và phân tích luật, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng giải quyết vấn đề. Tại một số trường đại học, các bạn cũng sẽ được học thực hành qua các phiên tòa giả định hoặc được dự các phiên xét xử thực tế để lắng nghe và tích lũy kinh nghiệm.

ngành luật

Các định hướng sau tốt nghiệp dành cho cử nhân Luật

Tốt nghiệp ngành Luật thì bạn chưa chính thức trở thành luật sư mà sẽ là một cử nhân Luật học. Bạn sẽ có nhiều định hướng khác nhau về công việc trong lĩnh vực pháp lý như sau:

Luật sư

Theo quy định, nếu muốn trở thành luật sư tại Việt Nam thì sau khi tốt nghiệp đại học bạn sẽ cần học chương trình đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư pháp trong vòng 12 tháng. Tiếp theo bạn sẽ cần thực tập tại các công ty luật, văn phòng luật trong thời gian 12 tháng rồi tham gia kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Cuối cùng, khi đã vượt qua kỳ thi kiểm tra này thì bạn có thể làm hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hay còn gọi là thẻ luật sư để bắt đầu làm việc.

Như vậy, tổng thời gian học và tập sư để trở thành một luật sư sẽ trong khoảng 6 năm. Tuy thời gian dành cho việc theo đuổi vị trí Luật sư sẽ khá dài nhưng khi có chứng chỉ hành nghề thì các bạn sẽ mở ra được vô vàn cơ hội việc làm hấp dẫn với mức thu nhập đáng mơ ước. Mức lương hiện tại của Luật sư tại Việt Nam dao động trong khoảng 20 – 25 triệu đồng/tháng chưa kể các khoản phúc lợi khác.

Chuyên viên công chứng

Bạn sẽ làm việc tại các văn phòng công chứng, đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Nhiệm vụ chính của bạn là hỗ trợ công chứng viên trong các công việc bao gồm: lập các văn bản công chứng, chứng thực chữ ký, bản sao, hợp đồng, di chúc,… Bạn có thể tích lũy thời gian và kinh nghiệm làm việc rồi xin cấp chứng chỉ hành nghề công chứng để trở thành công chứng viên, giúp nâng cao thu nhập tại nơi làm việc hoặc tự mở văn phòng công chứng. Mức lương của chuyên viên công chứng sẽ rơi vào khoảng 8 – 10 triệu đồng/tháng.

Kiểm sát viên

Kiểm sát viên là người thay mặt Viện kiểm sát nhân dân các cấp tham gia vào công cuộc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án. Bạn có trách nhiệm kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, đồng thời đảm bảo các vụ án được xử lý công bằng, minh bạch. Vị trí này làm việc trong cơ quan nhà nước nên mức lương sẽ phụ thuộc vào hệ số lương của bạn. Thu nhập sẽ rơi vào khoảng từ 4 – 12 triệu đồng/tháng các bạn nhé.

Chuyên viên tư vấn pháp lý

Với bằng cấp của một cử nhân Luật thì bạn có thể làm việc tại vị trí chuyên viên tư vấn pháp lý của các văn phòng hoặc công ty luật. Nhiệm vụ của bạn là tư vấn các dịch vụ pháp lý cho cá nhân hoặc tổ chức phù hợp với vấn đề mà họ đang gặp phải. Mức lương của vị trí này thường nằm trong khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng chưa bao gồm các phúc lợi khác.

Giảng viên ngành Luật

Nếu muốn theo đuổi công việc giảng viên ngành Luật thì sau khi hoàn thành chương trình đại học bạn sẽ cần học lên sau đại học để đạt trình độ từ bậc thạc sĩ trở lên. Sau đó bạn có thể ứng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng để tham gia giảng dạy. Công việc của một giảng viên sẽ là lên kế hoạch dạy học, thiết kế bài giảng, chấm bài tập và bài thi của sinh viên, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, đưa sinh viên đi trải nghiệm thực tế tùy theo môn học và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa hoặc trường.

Danh sách trường đào tạo ngành Luật học tại Việt Nam

Luật học là ngành được đào tạo phổ biến ở nước ta với sự tham gia của nhiều trường đại học uy tín. Nếu muốn chọn ngành này để học tập trong thời gian tới thì bạn có thể cân nhắc đến những trường dưới đây:

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Trường Đại học Luật Hà Nội
  • Trường Đại học Luật – ĐHQGHN
  • Trường Đại học Kinh tế quốc dân
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội
  • Trường Đại học Công Đoàn
  • Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
  • Trường Đại học Mở Hà Nội
  • Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
  • Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Luật – Đại học Huế
  • Trường Đại học Đông Á tại Đà Nẵng
  • Trường Đại học Duy Tân
  • Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng
  • Trường Đại học Luật TP.HCM
  • Trường Đại Học Mở TPHCM
  • Trường Đại học Kinh Tế Luật – ĐHQG TP.HCM
  • Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM
  • Trường Đại học Sài Gòn
  • Trường Đại Học Kinh Tế TP. HCM
  • Trường Đại học Hoa Sen

Mỗi trường đại học sẽ có thế mạnh riêng trong đào tạo Luật nên các bạn hãy tìm hiểu kỹ về chương trình học, đội ngũ giảng viên, cơ học thực tập – thực tế, điểm chuẩn, mức học phí và các chính sách học bổng. Trường đại học là nơi bạn sẽ gắn bó 3 – 4 năm để hoàn thành quá trình học tập nên hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng để đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân nhé.

Chúc các bạn thành công!