Ngôn ngữ Hàn: Bến đỗ cho Gen Z yêu thích xứ sở kim chi

Ngôn ngữ Hàn là “thỏi nam châm” hút thí sinh vào các trường đại học mỗi mùa tuyển sinh. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về ngành học này để lý giải sức hút mạnh mẽ với Gen Z nhé!

Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác trong hơn 30 năm qua, là đối tác chiến lược toàn diện trên các phương diện như quan hệ chính trị; quốc phòng – an ninh; kinh tế – thương mại; phát triển nguồn nhân lực, lao động – việc làm, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; du lịch và giao lưu; hợp tác đa phương.

Thêm vào đó là sức hút không thể chối từ của nền văn hóa, âm nhạc và điện ảnh Hàn Quốc, việc học tiếng Hàn đã trở thành xu hướng của giới trẻ. Đó là lý do ngành Ngôn ngữ Hàn tại các trường đại học trên cả nước được học sinh yêu thích và có tỷ lệ đặt nguyện vọng cao.

Ngành Ngôn ngữ Hàn học gì?

Có một điều rất nhiều người nhầm tưởng về học Ngôn ngữ Hàn Quốc tại các trường đại học đó là họ cho rằng ngành này chỉ học tiếng Hàn.

Trên thực tế, tiếng Hàn là xương sống của chương trình đào tạo nhưng các trường đại học sẽ kết hợp thêm kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hoá, pháp luật, kinh tế, thương mại của Hàn Quốc để sinh viên hiểu rõ về đất nước này, phục vụ cho quá trình làm việc về sau.

Ngoài ra, tùy theo định hướng đào tạo mà các trường có thể sẽ yêu cầu sinh viên học về kỹ năng biên – phiên dịch và kỹ năng sư phạm để giảng dạy tiếng Hàn. Các bạn cần hiểu rằng việc sử dụng thành thạo được một ngôn ngữ khác hoàn toàn với việc có thể phiên dịch song ngữ từ tiếng Việt sang và ngược lại; đồng thời không phải ai giỏi ngôn ngữ cũng có thể giảng dạy được nếu không được trang bị kỹ năng sư phạm.

Về môn học thì tùy vào chương trình đào tạo của từng trường nhưng nhìn chung thì các bạn sẽ tiếp xúc với những môn học như sau:

  • Tiếng Hàn thực hành từ bậc A1 – C5, trình độ khi tốt nghiệp tương đương TOPIK 5
  • Văn hóa Hàn Quốc
  • Kinh tế chính trị Hàn Quốc
  • Kỹ năng biên, phiên dịch từ căn bản đến chuyên sâu
  • Kỹ năng giảng dạy tiếng Hàn
  • Tiếng Hàn du lịch, Tiếng Hàn thương mại, Tiếng Hàn kinh tế – xã hội,…

Học Ngôn ngữ Hàn ra trường làm gì?

Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc thì bạn có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như:

Biên dịch viên/Phiên dịch viên/Biên tập viên

  • Biên dịch viên: Chịu trách nhiệm dịch các văn bản từ tiếng Hàn sang tiếng Việt và ngược lại, phục vụ cho công việc của các công ty, tổ chức sử dụng tiếng Hàn.
  • Phiên dịch viên: Thực hiện việc phiên dịch trực tiếp tại các cuộc họp, hội thảo, đàm phán giữa các đối tác Hàn Quốc và Việt Nam.
  • Biên tập viên: Tham gia vào quá trình biên tập, hiệu đính các tài liệu, ấn phẩm bằng tiếng Hàn như sách, báo, tạp chí.

Nhân viên/Thư ký/Trợ lý tiếng Hàn

  • Nhân viên văn phòng: Làm việc tại các công ty Hàn Quốc, công ty liên doanh hoặc công ty Việt Nam có đối tác Hàn Quốc, phụ trách các công việc hành chính, văn phòng.
  • Thư ký: Hỗ trợ cấp trên trong việc quản lý lịch trình, sắp xếp cuộc họp, dịch thuật tài liệu.
  • Trợ lý đối ngoại: Tham gia vào các hoạt động đối ngoại, hợp tác với đối tác Hàn Quốc như đàm phán, ký kết hợp đồng, tổ chức sự kiện.

Lễ tân, hướng dẫn viên du lịch

  • Lễ tân: Làm việc tại các khách sạn, nhà hàng, đón tiếp khách hàng, cung cấp thông tin và hỗ trợ khách hàng.
  • Hướng dẫn viên du lịch: Làm việc cho công ty du lịch hoặc làm tự do với nhiệm vụ chính là dẫn đoàn khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam và ngược lại, giới thiệu về văn hóa, lịch sử, địa điểm du lịch cho du khách.

Mức lương trung bình của người tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Hàn theo số liệu thống kê là 10 – 15 triệu đồng/tháng. Đây chỉ là mức lương cố định khi bạn làm việc toàn thời gian cho một đơn vị cụ thể. Nếu bạn tranh thủ thời gian để làm thêm các công việc ngoài giờ cho những đơn vị khác thì mức thu nhập có thể lên tới 20 – 30 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn khi bạn thăng tiến lên cấp quản lý.

Danh sách trường đào tạo Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc

Hiện nay, ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc được đưa vào giảng dạy ở khá nhiều trường đại học tại Việt Nam. Các bạn sẽ có khá nhiều sự lựa chọn để học tập trên toàn quốc. Hãy thử tham khảo danh sách dưới đây nhé:

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Trường Đại học Hà Nội
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Trường Đại Học Thăng Long
  • Trường Đại Học Đại Nam
  • Trường Đại Học FPT
  • Trường Đại học Đông Á
  • Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng
  • Trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại Học Huế
  • Trường Đại học Quy Nhơn
  • Trường Đại học Nha Trang

 

  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM
  • Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
  • Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM
  • Trường Đại học HUTECH

Khi chọn trường đại học, các bạn nên cân nhắc những yếu tố sau đây để có được sự lựa chọn phù hợp với khả năng của mình nhé:

  • Chương trình đào tạo
  • Cơ sở vật chất
  • Đội ngũ giảng viên
  • Cơ hội thực tế, giao lưu văn hóa, thực tập
  • Mức điểm chuẩn
  • Học phí
  • Cơ hội việc làm

Chúc các bạn sẽ tìm được trường đại học lý tưởng để theo đuổi ngành học thú vị và đầy sự cuốn hút này nhé!