Ngành Kỹ thuật xây dựng là gì? Ra trường làm công việc gì?

Ngành Kỹ thuật Xây dựng đào tạo kiến thức về thiết kế, thi công và quản lý công trình. Đây là ngành có triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn và có sự phát triển bền vững đáng để theo đuổi. Cùng tìm hiểu chi tiết về ngành học này ngay nhé!

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nhu cầu cao về xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng trên toàn quốc. Đây chính là cơ hội để các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng có được công việc với thu nhập ổn định và tiềm năng phát triển đầy tiềm năng và hứa hẹn trong tương lai.

Ngành Kỹ thuật xây dựng là gì?

Ngành Kỹ thuật Xây dựng là một trong những ngành học truyền thống và quan trọng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ngành này đóng vai trò then chốt trong việc thiết kế, xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng của xã hội, bao gồm các tòa nhà, cầu đường, hệ thống cấp thoát nước và những công trình khác phục vụ cho đời sống xã hội.

Ngành Kỹ thuật xây dựng

Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để trở thành một kỹ sư xây dựng chuyên nghiệp. Vì là ngành học thuộc khối kỹ thuật nên các môn học chính chủ yếu sẽ là môn liên quan đến thiết kế, tính toán hoặc phân tích. Chương trình đào tạo của mỗi trường sẽ khác nhau nhưng nhìn chung thì các bạn sẽ tiếp xúc với một số môn học chuyên ngành như:

  • Vẽ kỹ thuật: Môn học giúp sinh viên nắm vững kỹ năng đọc bản vẽ, vẽ và trình bày bản vẽ cho các công trình xây dựng. Sinh viên sẽ học cả vẽ tay và vẽ máy trên các phần mềm về xây dựng.
  • Cơ học xây dựng: Cung cấp kiến thức về các nguyên lý cơ bản về lực, cân bằng, ma sát và chuyển động trong kết cấu xây dựng.
  • Sức bền vật liệu: Nghiên cứu tính chất cơ học của vật liệu xây dựng dưới tác động của lực và ứng suất.
  • Vật liệu: Tìm hiểu về đặc tính, công dụng và các tiêu chuẩn sử dụng vật liệu trong xây dựng hiện đại.
  • Trắc địa: Cung cấp kiến thức về đo đạc, xác định vị trí và lập bản đồ địa hình phục vụ cho công trình xây dựng.
  • Cấp thoát nước: Trang bị kỹ năng thiết kế và quản lý hệ thống cấp thoát nước cho các công trình hạ tầng.
  • Nền và móng: Hướng dẫn phân tích, thiết kế và thi công các loại nền móng đảm bảo sự ổn định cho công trình.
  • Kết cấu bê tông cốt thép: Giới thiệu cách thiết kế và tính toán kết cấu sử dụng bê tông cốt thép cho các công trình xây dựng.
  • Kỹ thuật thi công: Trang bị kiến thức về lập phương án kỹ thuật thi công công trình.
  • Định mức và dự toán xây dựng: Cung cấp kiến thức về các phương pháp lập định mức kỹ thuật, các yếu tố tạo thành định mức xây dựng, các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng và phương pháp lập dự toán cho dự án xây dựng.

Ngành Kỹ thuật xây dựng

Học Kỹ thuật xây dựng ra làm gì?

Thông thường, các trường đại học tại Việt Nam sẽ đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng theo hệ kỹ sư với thời gian học dài khoảng 4 – 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể đảm nhận công việc ở nhiều vị trí khác nhau như:

  • Kỹ sư thiết kế xây dựng: Thiết kế các công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông.
  • Kỹ sư thi công: Giám sát và quản lý quá trình thi công các dự án xây dựng.
  • Kỹ sư quản lý dự án: Lập kế hoạch, điều phối và giám sát tiến độ dự án xây dựng.
  • Chuyên viên tư vấn xây dựng: Cung cấp các giải pháp kỹ thuật và tư vấn cho khách hàng.
  • Chuyên viên quản lý đầu tư xây dựng: Phụ trách việc kiểm duyệt các dự án xây dựng tại các cơ quan nhà nước.
  • Nghiên cứu và giảng dạy: Làm việc trong các viện nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường đại học.

Mức lương trung bình của ngành này khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ nằm trong khoảng 9 – 11 triệu đồng/tháng. Khi bạn có trên 3 năm kinh nghiệm hoặc thăng tiến lên các vị trí cao hơn thì có thể đạt thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Học Kỹ thuật xây dựng ở đâu?

5 yếu tố cần chú ý khi chọn trường

Là một ngành học yêu cầu nhiều về thực hành, thực tế nên khi chọn trường để học, các bạn hãy cân nhắc đến 5 yếu tố sau:

1. Chương trình đào tạo: Tìm hiểu về tính thực tiễn, ứng dụng của các môn học chuyên ngành trong chương trình học.
2. Cơ sở vật chất: Tìm hiểu điều kiện và trang thiết bị phục vụ học tập của các trường để chọn được nơi học tập phù hợp.
3. Đội ngũ giảng viên: Giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn cao sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh và phát triển toàn diện trong quá trình học.
4. Cơ hội thực tập: Ưu tiên các trường có mối liên kết với doanh nghiệp để dễ dàng tìm kiếm cơ hội thực tập.
5. Kết nối việc làm: Hiện nay có nhiều trường đang đào tạo Kỹ thuật xây dựng nên hãy ưu tiên chọn trường có kết nối việc làm sau khi tốt nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra.

Danh sách trường đào tạo xây dựng

Các bạn có thể tham khảo danh sách các trường đại học có ngành Kỹ thuật xây dựng dưới đây để lựa chọn khi xét tuyển đại học nhé:

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
  • Trường Đại học Giao thông Vận tải
  • Trường Đại học Thủy lợi
  • Trường Đại học Mỏ – Địa chất
  • Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Xây dựng Miền Trung
  • Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế
  • Trường Đại học Phạm Văn Đồng
  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM
  • Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
  • Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
  • Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Chúc các bạn sẽ chọn được trường đại học phù hợp để theo đuổi ngành học đầy thú vị này.