Ngành Kiến trúc học gì? Học Kiến trúc ra trường làm việc ở đâu? Lương bao nhiêu?

Ngành Kiến trúc là lĩnh vực nghiên cứu kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, là ngành học thú vị và hấp dẫn trong mọi thời đại. Vậy học kiến trúc thì sẽ học những gì? Ra trường làm ở đâu? Lương bao nhiêu? Tất cả sẽ được bật mí trong bài viết dưới đây.

Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học tạo dựng không gian sống, nơi con người có thể sinh hoạt, làm việc và thư giãn. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế sáng tạo, tính toán kỹ thuật và hiểu biết văn hóa. Các công trình kiến trúc được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của các kiến trúc sư. Nếu bạn muốn trở thành người thiết kế ra những công trình phục vụ cho đời sống con người thì ngành kiến trúc rất phù hợp với bạn.

ngành kiến trúc

Ngành Kiến trúc học gì?

Ngành Kiến trúc tập trung vào việc tổ chức sắp xếp không gian và lập hồ sơ thiết kế các công trình kiến trúc. Ngành học này đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy logic, khả năng thẩm mỹ và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Hiện nay, các trường đại học tại Việt Nam đang tuyển sinh các khối A00, A01, C01, V00, V02, H01, H02 cho ngành học này. Thời gian đào tạo thường kéo dài khoảng 4,5 – 5 năm với bằng cấp đầu ra là Kiến trúc sư. Về chương trình học thì mỗi trường sẽ có một định hướng riêng nhưng về cơ bản thì các bạn sẽ được trang bị cả lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành vẽ tay, vẽ máy thông qua các môn học như:

  • Vẽ kỹ thuật: Cung cấp cho sinh viên các kỹ năng cơ bản về vẽ tay và sử dụng các công cụ vẽ chuyên nghiệp để thể hiện các ý tưởng thiết kế. Đồng thời các bạn cũng sẽ được học cách đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật.
  • Cơ sở tạo hình: Truyền đạt các nguyên tắc cơ bản của hình học, màu sắc, ánh sáng, và tỷ lệ trong thiết kế; thực hành tạo ra các mô hình 3D và phân tích các yếu tố thẩm mỹ, từ đó phát triển tư duy sáng tạo trong kiến trúc.
  • Nguyên lý thiết kế: Giới thiệu các phương pháp và quy trình thiết kế kiến trúc. Sinh viên sẽ học cách phân tích nhu cầu sử dụng không gian, lựa chọn vật liệu và công nghệ xây dựng, cùng với việc phát triển ý tưởng thiết kế từ khái niệm ban đầu đến giải pháp cuối cùng.
  • Thiết kế công trình: Truyền tải các kiến thức và kỹ năng để sinh viên thực hiện các dự án thiết kế thực tế từ phân tích địa điểm, lên ý tưởng thiết kế đến tạo ra các bản vẽ chi tiết cùng mô hình 3D của công trình.
  • Quy hoạch đô thị: Cung cấp kiến thức về các nguyên tắc và phương pháp quy hoạch không gian đô thị.
  • Kỹ thuật xây dựng: Nghiên cứu các nguyên lý và phương pháp xây dựng công trình, bao gồm các kỹ thuật kết cấu, hệ thống điện nước, và các giải pháp kỹ thuật khác.
  • Công nghệ vật liệu: Cung cấp kiến thức về các loại vật liệu xây dựng phổ biến, đặc tính và cách sử dụng chúng trong các công trình kiến trúc. Sinh viên sẽ học cách lựa chọn vật liệu phù hợp với yêu cầu thiết kế và điều kiện tự nhiên của địa điểm xây dựng.

Cơ hội việc làm cho người học Kiến trúc

Làm việc ở đâu?

Tốt nghiệp ngành Kiến trúc thì các bạn sẽ có cơ hội làm việc đa dạng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ công lập đến tư nhân. Một số vị trí việc làm để các bạn tham khảo là:

  • Chuyên viên về kiến trúc, quy hoạch, quản lý dự án xây dựng tại các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng ở các bộ đến các cấp địa phương: cấp tỉnh, cấp quận, huyện như Sở Xây dựng, Sở
  • Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính,…
  • Chuyên viên làm việc trong các viện nghiên cứu và các đơn vị chuyển giao công nghệ xây dựng, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng.
  • Kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế làm việc tại các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp thi công xây dựng, doanh nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn đấu thầu.
  • Giảng viên về kiến trúc tại các trường cao đẳng, đại học, học viện, trung tâm dạy nghề.

Mức lương bao nhiêu?

Mức lương của ngành này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể dựa theo vị trí, kinh nghiệm làm việc, môi trường làm việc hoặc khối lượng công việc. Các bạn có thể tham khảo bảng lương theo kinh nghiệm dưới đây nhé:

Số năm kinh nghiệm Mức lương
Nhân viên tập sự hoặc mới ra trường 7 – 10 triệu đồng/tháng
Kinh nghiệm làm việc 2 – 5 năm 10 – 15 triệu đồng/tháng
Kinh nghiệm làm việc 5 – 10 năm 15 – 35 triệu đồng/tháng
Trên 10 năm kinh nghiệm Từ 35 triệu đồng/tháng trở lên

Khi làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, các bạn có thể làm việc cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc hoạt động với vai trò của một kiến trúc sư độc lập, cộng tác cho nhiều dự án khác nhau. Việc chủ động làm việc cho nhiều đơn vị sẽ giúp bạn nâng cao thu nhập và tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế cũng như xây dựng được các mối quan hệ, uy tín trong ngành.

ngành kiến trúc

Danh sách trường đào tạo Kiến trúc tại Việt Nam

Để học ngành Kiến trúc thì các bạn hãy tìm một ngôi trường đại học uy tín, dành nhiều thời gian trong chương trình đào tạo cho việc thực hành để theo học nhé. Các bạn có thể tham khảo danh sách các trường đào tạo ngành này dưới đây để cân nhắc chọn trường:

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
  • Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
  • Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
  • Đại học Bách khoa Hà Nội
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Công nghệ Đông Á
  • Trường Đại học Lâm nghiệp
  • Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
  • Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế
  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Xây dựng Miền Trung
  • Trường Đại học Duy Tân 
  • Trường Đại học Quy Nhơn
  • Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
  • Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
  • Trường Đại học Tôn Đức Thắng
  • Trường Đại học Văn Lang
  • Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Ngành Kiến trúc không chỉ mang đến cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà còn cho phép bạn thể hiện sự sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Với chương trình đào tạo chất lượng tại các trường đại học uy tín trên cả nước, tin rằng sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê thiết kế và xây dựng lựa chọn ngành học này.

Chúc các bạn sẽ tìm được trường đại học lý tưởng để học Kiến trúc nhé!