Công nghệ sinh học y dược là gì? Ra trường có dễ xin việc không?

Công nghệ sinh học y dược là lĩnh vực được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm về chương trình học và triển vọng nghề nghiệp tương lai. Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật thông tin về ngành học này ngay dưới đây nhé!

Công nghệ sinh học là lĩnh vực có tiềm lực phát triển mạnh mẽ. Trong đó, công nghệ sinh học y dược là định hướng mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các bệnh viện, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực vật tư y tế và dược phẩm.

công nghệ sinh học y dược

Công nghệ sinh học y dược là gì?

Công nghệ sinh học y dược là lĩnh vực phối hợp các kiến thức sinh học với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm nâng cao hiệu quả khám – chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Các bạn có thể hình dung một cách đơn giản rằng người học lĩnh vực này sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng để nghiên cứu, chế tạo sản phẩm phục vụ lĩnh vực y dược bao gồm:

  • Các loại vắc-xin phòng bệnh phục vụ tiêm chủng và tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
  • Sản phẩm giống dược liệu, hoạt chất từ dược liệu để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe con người.
  • Các loại thuốc, sản phẩm sinh học nhằm, sản phẩm kháng thể nhằm nâng cao hiệu quả khám – chữa bệnh.
  • Các loại thực phẩm chức năng phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
  • Trang thiết bị, dây chuyền phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ cho lĩnh vực y dược.

Có thể nói lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong xã hội và còn nhiều tiềm năng phát triển.

Ngành Công nghệ sinh học y dược học gì?

Tổ hợp môn xét tuyển

Công nghệ sinh học y dược thuộc khối kỹ thuật – công nghệ nên các trường đại học thường tuyển sinh khối A và khối B là chính. Các tổ hợp môn xét tuyển cụ thể là:

  • A00: Toán, Vật lý, Hóa học
  • A02: Toán, Vật lý, Sinh học
  • A01: Toán, Vật lý, Ngoại ngữ
  • B00: Toán, Hóa học, Sinh học
  • B08: Toán, Sinh học, Tiếng Anh
  • D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh

Chương trình học

Trước khi quyết định chọn ngành này để theo đuổi trong 3 – 4 năm ở bậc đại học thì các bạn hãy tham khảo xem mình sẽ được học những gì nhé.

Các bạn sẽ được trường đại học trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ sản xuất thuốc sinh học, vắc – xin, thực phẩm chức năng, vật tư thiết bị y tế, phân tích & kiểm tra chất lượng sản phẩm y tế và công nghệ chẩn đoán & điều trị bệnh.

Các môn học thường sẽ xoay quanh nhóm hóa – sinh bao gồm:

  • Hóa học hữu cơ và vô cơ
  • Sinh học phân tử
  • Vi sinh vật học
  • Di truyền và kỹ thuật di truyền (biến đổi gen, chuyển đổi gen)
  • Tế bào thực vật, động vật và nuôi cấy mô
  • Sinh tổng hợp và biến đổi protein, miễn dịch học
  • Công nghệ sinh học vắc xin
  • Công nghệ sinh học dược phẩm

Đồng thời các bạn cũng sẽ được đào tạo về quản lý chất lượng sản phẩm y tế, đạo đức nghề nghiệp và an toàn lao động. Ngoài ra, các trường đại học cũng sẽ đào tạo về kỹ năng mềm và ngoại ngữ để các bạn đủ tiêu chuẩn nghiên cứu chuyên sâu về Công nghệ sinh học ở cả trong và ngoài nước.

Nếu bạn hứng thú với những kiến thức nêu trên thì bạn là nhân tố phù hợp để học ngành này.

Danh sách trường đại học đào tạo Công nghệ sinh học y dược

  • Công nghệ sinh học y dược thường được đào tạo như một chuyên ngành thuộc ngành Công nghệ sinh học. Các bạn có thể tham khảo một số trường dưới đây:
  • Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN)
  • Đại học Bách Khoa Hà Nội
  • Đại học Dược Hà Nội
  • Đại học Bách Khoa TP.HCM (ĐHQG TP.HCM)
  • Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)
  • Đại học Công Nghệ TP.HCM
  • Đại Học Nông Lâm TP.HCM
  • Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Đại học Lâm nghiệp Việt Nam
  • Đại học Đại Nam

Có một lưu ý cho các bạn khi chọn trường đó là ngoại trừ điểm chuẩn thì hãy tìm hiểu về cơ sở vật chất của trường. Đây là ngành học yêu cầu phải thực hành, thí nghiệm nhiều nên hãy chọn trường có cơ sở vật chất đầy đủ, đào tạo theo định hướng ứng dụng để các bạn được làm quen với công việc thực tiễn từ sớm.
Cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học y dược
Sau khi tốt nghiệp Công nghệ sinh học y dược, các bạn sẽ là nhân lực phục vụ cho ngành y dược ở nhiều vị trí quan trọng như:

  • Kỹ sư y tế
  • Nghiên cứu viên y dược
  • Chuyên viên thử nghiệm lâm sàng
  • Kỹ thuật viên y sinh và di truyền phân tử
  • Chuyên viên quản lý chất lượng sản phẩm y dược
  • Chuyên viên kiểm định chất lượng sản phẩm y dược
  • Giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng

Mức lương khởi điểm của ngành này cũng khá hấp dẫn ở mức 10 – 15 triệu đồng/tháng. Bạn có thể được đề xuất mức lương 20 – 30 triệu đồng/tháng khi đã có kinh nghiệm và năng lực làm việc tốt. Nếu bạn tham gia làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực Công nghệ sinh học y dược thì có thể đạt thu nhập lên tới 1 tỷ đồng/năm.

Có thể nói thu nhập của ngành này rất hấp dẫn và còn có thể tăng thêm nữa trong tương lai. Các bạn hãy cân nhắc về sở thích và năng lực của bản thân để có sự lựa chọn phù hợp nhé. Chúc các bạn thành công!