Site icon Thông tin Tuyển sinh

Nhà khoa học Tôn Thất Tùng và Trần Đại Nghĩa

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng sinh ngày 10-5-1912 tại Thanh Hóa, nhưng từ nhỏ đã ở Huế trong một ngôi nhà nhiều cây trái bên dòng sông Hương thơ mộng. Thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa, tuy xuất thân từ một gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn nhưng ông không theo nghiệp học làm quan. Năm 1931, ông ra Hà Nội theo học tại trường Trung học Bảo Hộ, tức trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An.

Thời thanh niên

Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Tôn Thất Tùng đã sớm thấm thía nỗi đau mất nước và nỗi nhục của thân phận một người dân thuộc địa. Sau này GS Tôn Thất Tùng kể lại: “Mỗi lần ra đường đối với tôi là một lần tức giận. Đường đi lại đều phải nhường cho đám Tây đầm thực dân hay trẻ con Tây lai. Lắm khi chúng rất láo xược đối với trẻ con và người dân lao động nước ta. Chúng nói chuyện với nhau ngay trước mặt tôi, chê cười những tập quán của dân mình, coi tôi như một kẻ đã tách khỏi dân tộc mình rồi! Có lúc tôi nổi khùng lên với chúng thì chúng quắc mắt nhìn tôi, cười khẩy, rồi nói với cái thế của kẻ thắng trận: “Anh quên là người Pháp đã lấy thành Nam Định và thành Hà Nội chỉ với vài ba chục người lính thôi ư?”.

Sau nhiều ngày trăn trở về tương lai, cuối cùng anh chọn học ngành y để cứu giúp đồng bào, cũng là cách để không lệ thuộc vào Nam triều hay chính quyền thực dân.

Năm 1935, ông học tại Trường Y khoa Hà Nội, một bộ phận của Trường Đại học Tổng hợp Pa-ri. Lúc bấy giờ, Trường Y Hà Nội là trường y duy nhất của cả Đông Dương trước 1945, khi đó có lệ các sinh viên y khoa bản xứ chỉ được thực tập ngoại trú, không được dự các kỳ thi “nội trú” bởi chính quyền thuộc địa không muốn những bác sĩ bản xứ có trình độ chuyên môn cao. Năm 1938, trong thời gian làm việc ngoại trú tại bệnh viện Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức), ông đã đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải tổ chức cuộc thi nội trú cho các bệnh viện ở Hà Nội. Sau đó, ông là người duy nhất trúng tuyển một cách xuất sắc trong kỳ thi khóa nội trú đầu tiên của trường và mở đầu tiền lệ cho các bác sĩ nội trú người bản xứ.

Cũng ở giai đoạn này, phát hiện trong gan của một người bệnh có giun chui các đường ống mật, ông đã nảy ra ý tưởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích cơ cấu của lá gan. Trong suốt thời gian từ năm 1935 đến 1939, chỉ bằng một con dao nạo thô sơ, ông đã kiên nhẫn, miệt mài phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Pa-ri. Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông.

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng

Xây dựng một nền y học Việt Nam hiện đại

Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được Việt Minh giao nhiệm vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian đó, ông đã viết cuốn sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu với chủ đề “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật”. Đây là cuốn sách khoa học thuộc ngành Y được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Một thời gian sau, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn và cùng với GS. Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi Pháp nổ súng xâm lược trở lại Đông Dương, ông tham gia tổ chức cứu chữa thương bệnh binh, xây dựng các tuyến phẫu thuật ở mặt trận Tây Nam Hà Nội cùng các bác sĩ Nguyễn Hữu Trí, Hoàng Đình Cầu… Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông vẫn tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y, đồng thời với nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên, xây dựng nền tảng trường Y khoa Việt Nam, dù phải di chuyển nhiều lần ở nhiều địa bàn như Vân Đình, Hà Đông (1946), Lăng Quán, Tuyên Quang (1947), Phù Ninh, Phú Thọ (1948), Đại Lục, Phú Thọ (1949), Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1950)… Ông cũng được cử làm làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc phòng. Cũng trong thời gian này, cùng với GS. Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần điều chế ra thuốc Pê-ni-xi-lin phục vụ thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến khốc liệt và thiếu thốn. Năm 1947, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế và đảm nhiệm chức vụ này cho tới năm 1961.

Từ năm 1954, ông làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược Hà Nội. Ông đề cao việc tiếp thu y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền y học nước nhà, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người dân, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam. Ông là người đầu tiên mổ tim ở nước ta vào năm 1958. Trong những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, thường được gọi là “phương pháp mổ gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”. Ông cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học đi-ô-xin đến con người và môi trường tại Việt Nam, phương pháp điều trị các vết thương do bom bi, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác.

Những thành tựu và cống hiến 

GS, bác sĩ Tôn Thất Tùng là một người say mê nghiên cứu khoa học y học với mong muốn đưa nền y học Việt Nam sánh ngang các nước trên thế giới. Ngoài công trình về cách phân chia mạch máu trong gan gửi về Viện hàn lâm khoa học Pháp, được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Pa-ri, ông còn để lại 123 công trình khoa học, đặc biệt là một trong những nhà khoa học đầu tiên xây dựng phương pháp mổ gan mang tên ông.

Với những thành tựu và đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, GS. Tôn Thất Tùng đã được trao tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng như: Anh hùng Lao động (1962), Viện sĩ viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, Thành viên Viện Hàn lâm phẫu thuật Pa-ri, Hội viên Hội Những nhà phẫu thuật Ly-ông (Pháp), Thành viên Hội Quốc gia Những nhà phẫu thuật An-giê-ri, Huy chương phẫu thuật quốc tế Lan-nơ-lông-gơ (1977), Huân chương Hồ Chí Minh (1992), Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996). Từ năm 2000, Nhà nước ta đã đặt ra một giải thưởng về Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

Giáo sư, Viện sĩ, Nhà khoa học Trần Đại Nghĩa

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Mồ côi cha lúc 6 tuổi, mẹ và chị gái đã tần tảo nuôi ăn học, Phạm Quang Lễ luôn ghi nhớ lời căn dặn cuối cùng của cha trước khi đi xa: “…phải lo học hành đến nơi đến chốn,… phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”. Giữa năm 1933, người thanh niên thông minh giàu nghị lực Phạm Quang Lễ đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài ta và tú tài tây. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền đi Hà Nội để học tiếp, Phạm Quang Lễ quyết định đi làm để giúp mẹ, giúp chị và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ.

Năm 1935, ông đi du học Pháp và sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng một lúc ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học. Sau đó lấy tiếp bằng Kỹ sư hàng không, bằng của Trường Mỏ và Trường Đại học Bách Khoa.

Năm 1946, Phạm Quang Lễ theo Bác Hồ trở về Tổ quốc sau hơn 11 năm du học. Và cái tên Trần Đại Nghĩa mà Bác Hồ đặt cho ông năm đó, là cái tên đã đưa ông đi vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam.

Được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ, trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới, Trần Đại Nghĩa đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ góp phần quan trọng để quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Từ Thứ trưởng Bộ Công thương rồi Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, dù ở cương vị nào Ông cũng hoàn thành công việc được giao một cách xuất sắc và lại tiếp tục được cử giữ nhiều trọng trách mới: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Hoà bình lập lại (1975), Ông đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam rồi Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã qua Hiệu trưởng đầu tiên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam, Cố vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Đại biểu quốc hội khoá II, III.

Mỗi chặng đường công tác thành công của ông đều được ghi nhận bằng những huân chương và giải thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lao động (một trong bảy Anh hùng lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1952), Huân chương kháng chiến, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh và còn được bầu là Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (trước đây). Là một nhà quân sự tài ba, Ông được phong quân hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên năm 1948.

Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận – TP. Hồ Chí Minh. Với những cống hiến cho đất nước, với một nhân cách lớn và lý tưởng sống cao đẹp, GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã để lại sau lưng mình cả một huyền thoại.

Exit mobile version