Văn tự của văn học trung đại
Về văn tự, ông cha ta đã lựa chọn chữ Hán văn ngôn đọc theo âm Hán Việt. Với văn tự đó, trước hết chúng ta tiếp thu các thể loại văn học chính luận như chiếu, hịch, biểu, tấu, văn bia.. từ Trung Quốc để biểu đạt đời sống tinh thần của người Việt, tạo nên những áng văn có giá trị thể hiện ý thức độc lập, tự chủ như Thiên đô chiếu (Lý Công Uẩn), Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Trần Quốc Tuấn). Sau đó là các thể văn xuôi được dùng để viết về lịch sử, văn hóa Việt Nam như Việt điện u linh tập (Lí Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái lục (Trần Thế Pháp), Đại Việt sử kí (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên) và nhiều tác phẩm khuyết danh khác. Cùng với đó, chúng ta tiếp thu các thể thơ, phú, từ của Trung Hoa để biểu hiện tâm tư, tình cảm của người Việt. Tiêu biểu có thể kể đến một số tác giả như Pháp Thuận, Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Đặng Dung… Điều đáng ghi nhận ở các tác giả này chính là sự Việt hóa thành công thể thơ Đường luật của Trung Hoa.
Xuyên suốt các sáng tác văn học giai đoạn này là thái độ khẳng định và ngợi ca dân tộc: Nước Việt Nam có lịch sử và nền văn minh, văn hiến lâu đời; có truyền thống yêu nước. Đó là sự đảm bảo cho tương lai trường tồn của dân tộc.
Cũng trong giai đoạn này (thế kỉ XIII), chữ Nôm định hình đầy đủ và được dùng để sáng tác văn học. Những tác giả tiên phong trong lĩnh vực sáng tác văn học bằng chữ Nôm là Nguyễn Thuyên, Trần Nhân Tông, Chu An…
Giai đoạn thứ hai của văn học trung đại kéo dài từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII. Về lịch sử – xã hội, đây là giai đoạn triều Lê được thiết lập sau chiến thắng giặc Minh. Triều đại này đã lấy Nho giáo làm quốc giáo. Triều Lê tồn tại tròn 100 năm (1427 – 1527) thịnh trị, sau đó các phe phái phong kiến gây ra các cuộc nội chiến Lê – Mạc, Đàng Trong – Đàng Ngoài, dẫn đến tình trạng đất nước bị cắt chia.
Về văn học, giai đoạn này xuất hiện nhiều tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ… Văn học chữ Hán vẫn phát triển và ghi dấu ấn bằng các tập truyện Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ)… Nhưng nổi bật hơn cả ở văn học giai đoạn này là sự phát triển của thơ ca quốc âm. Lần đầu tiên có. những tập thơ riêng của các danh gia như Quốc ám thị tập, Bạch Vân quốc ngữ thị.., lần đầu tiên có tác phẩm Nôm quy mô dài từ bốn trăm câu đến hơn tám nghìn câu thơ (Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải dài gần 400 câu thơ song thất lục bát; Thiên Nam mình giám — khuyết danh – dài 938 câu song thất lục bát). Cũng trong giai đoạn này, ba thể thơ dân tộc ra đời: thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ hát nói. .
Văn học viết giai đoạn này vẫn tiếp nối nội dung yêu nước với các sắc thái khác nhau. Bên cạnh đó, một nội dung khác cũng được đề cập đến, đó chính là số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ.
Tiếp nối ba thế kỉ của giai đoạn thứ hai là giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. Giai đoạn này, chế độ xã hội khủng hoảng dẫn đến các triều đại liên tiếp thay nhau sụp đổ (chúa Nguyễn ở Đàng Trong, vua Lê và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, triều đại Tây Sơn), tiếp đó là sự thiết lập triều Nguyễn Gia Long. Phong trào đấu tranh của nhân dân nổ ra khắp nơi, đặc biệt là từ năm 1738 trở đi mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn cùng một lúc lật đổ các tập đoàn phong kiến trong nước (Nguyễn, Trịnh, Lê), đập tan các cuộc xâm lược từ hai phía quân Xiêm và quân Thanh. Nhưng cuối cùng nhà Tây Sơn cũng sụp đổ. Đây cũng là giai đoạn mà ý thức về cá nhân phát triển. Trong cuộc đấu tranh, con người ý thức được vai trò của mình, do đó tạo ra trào lưu đòi giải phóng tình cảm cá nhân, tự do yêu đương…
Văn học viết giai đoạn thứ ba này phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, đạt được nhiều thành tựu đỉnh cao về nghệ thuật. Hầu hết các sáng tác văn chương đều phơi bày hiện thực xã hội bất: công và quan tâm đến số phận con người bình thường, đấu tranh đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi. Ngôn ngữ văn học trưởng thành vượt bậc, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc. Các loại hình văn học nở rộ và đều đạt đỉnh cao. Truyện Nôm, ngâm khúc, thơ hát nói, thơ Nôm Đường luật, tiểu thuyết chương hồi (bằng chữ Hán) đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Tiêu biểu phải kể đến các tác phẩm Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du), Chinh phụ ngâm diễn Nôm (Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều).. Cùng với đó, truyện ngắn truyền kì viết bằng chữ Hán tiếp tục đổi mới; thể loại kí cũng nở rộ với nhiều sắc thái.
Tóm lại, đây là thời kì phát triển rực rỡ nhất, đánh dấu bước trưởng thành toàn diện của văn học trung đại Việt Nam.
Văn học trung đại Việt Nam kết thúc bằng giai đoạn thứ tư, nửa cuối thế kỉ XIX. Đến giai đoạn này chế độ phong kiến Việt Nam đã suy tàn. Pháp xâm lược, Việt Nam mất dần vào tay thực dân Pháp. Một chế độ xã hội nửa phong kiến nửa thực dân bước đầu hình thành ở Nam Bộ và lan ra Bắc Bộ.
Trong hoàn cảnh xã hội đó, văn chương yêu nước rất phát triển, tiêu biểu là Vờn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, thơ của Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Quang Bích.. Về thể loại, cùng với thơ ca, văn chính luận, đặc biệt là loại văn điều trần cũng rất phát triển.
Tuy nhiên, do hạn chế về mặt văn tự và phương thức phản ánh, văn học trung đại viết bằng chữ Hán và chữ Nôm rơi vào bế tắc. Ở giai đoạn này, chữ quốc ngữ với văn xuôi quốc ngữ bắt đầu xuất hiện ở Nam Bộ, đánh dấu bước chuyển đầu tiên của văn học trung đại Việt Nam sang thời kỳ hiện đại.