Mục lục
Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn
Cơ sở của giá trị thẩm mĩ
+ Con người có nhu cầu hưởng thụ, thưởng thức cái đẹp.
+ Thế giới hiện thực đã có sẵn vẻ đẹp nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết và cảm thụ. Nhà văn bằng năng lực của mình đã đưa cái đẹp vào tác phẩm một cách nghệ thuật, giúp người đọc vừa cảm nhận được cái đẹp cuộc đời vừa cảm nhận được cái đẹp của chính tác phẩm.
+ Giá trị thẩm mĩ là khả năng văn học có thể đem đến cho con người những rung động trước cái đẹp (cái đẹp cuộc sống và cái đẹp của chính tác phẩm).
Nội dung
+ Văn học đem đến cho con người những vẻ đẹp muôn hình, muôn vẻ của cuộc đời (thiên nhiên, đất nước, cuộc đời, lịch sử…).
+ Văn học đi sâu miêu tả vẻ đẹp con người (ngoại hình, nội tâm, tư tưởng, tình cảm, những hành động, lời nói…).
+ Văn học có thể phát hiện ra vẻ đẹp của những vật rất nhỏ bé, bình thường và cả vẻ đẹp đồ sộ, kì vĩ.
+ Hình thức đẹp của tác phẩm (kết cấu, ngôn ngữ…) cũng chính là một nội dung quan trọng của giá trị thẩm mĩ.
Bàn về giá trị thẩm mĩ của văn học dân gian
Có ý kiến cho rằng: ”Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ lớn. Giá trị thẩm mĩ của văn học dân gian thể hiện ở nhiều phương diện. Đó là kiểu tư duy nghệ thuật có sức tưởng tượng kì diệu, hồn nhiên và một quan niệm nghệ thuật, lấy sự đề cao cái chân, cái thiện, cái đẹp làm gốc rễ. Em hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, văn học dân gian Việt Nam chủ yếu là ca dao, tục ngữ đã hoàn toàn thể hiện được giá trị thẩm mỹ của nó trong suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam.
Trên thực tế, giá trị thẩm mỹ của văn học dân gian chính là giá trị làm đẹp cho cuộc sống, làm đẹp cho văn học Việt Nam. Lấy ca dao, tục ngữ làm ví dụ, ca dao tục ngữ không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, trong lời ăn tiếng nói của người Việt Nam mà nó còn có tính ứng dụng cao trong đời sống con người. Nếu như tục ngữ là những bài học kinh nghiệm dân gian được đúc kết truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì ca dao chính là những lời ca thấm đẫm chất trữ tình, bồi đắp tình cảm cho con người. Hơn nữa, cách sáng tạo ca dao, tục ngữ hay bất cứ hình thức văn học nghệ thuật dân gian nào như: chèo, tuồng,… đều có sự phá cách trong hình thức, đều có sự tự do, không bó buộc, nó thể hiện một trí tưởng tượng diệu kì cũng như sự phá cách, phóng khoáng và hồn nhiên trong ngôn từ của dân tộc.
Dù cho có những sự phá cách, đa dạng đó, ca dao tục ngữ vẫn đề cao những giá trị tốt đẹp của con người, đề cao những tình cảm tốt đẹp. Đồng thời, những giá trị trong ca dao, tục ngữ mãi trường tồn theo năm tháng và trở thành túi khôn của nhân dân Việt Nam, của các thế hệ con cháu sau này. Tục ngữ chính là những bài học kinh nghiệm được ông cha ta đúng rút qua những kinh nghiệm sống của mình. Con cháu đời sau được thừa hưởng những kinh nghiệm dự báo thời tiết như “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”, “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”,…. Qua thời gian, ông cha ta đúc rút được những câu tục ngữ về phòng chống thiên tai như “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”, “Tháng 7 kiến bò chỉ lo lại lụt”. Nhờ những câu tục ngữ đúc rút như vậy mà con cháu có thêm những bài học để chủ động phòng chống thiên tai và xây dựng nhà cửa.
Hơn nữa, có những câu tục ngữ dạy cho con người những giá trị và bài học tốt đẹp như “Thương người như thể thương thân” (về tình yêu thương); “Đói cho sạch, rách cho thơm (bài học về lòng tự trọng);… Về nghệ thuật, tục ngữ có muôn vàn sự phá cách khác nhau. Thế nhưng, ta đều thấy được tính chất dân gian, dễ nhớ, dễ truyền miệng và biểu hiện cho tính chất dân gian rộng rãi tốt đẹp của dân tộc ta. Ca dao là những câu nói êm ái về những chủ đề khác nhau được ông cha ta đúc rút lại. Nếu như ca dao về đất nước ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước thì ca dao than thân gợi lên những số phận khốn khổ của những con người xưa trong xã hội. Ca dao châm biếm thì lên tiếng phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu của con người,… Đọc ca dao dường như ta thấy được những giá trị tốt đẹp của đất nước, dân tộc và con người Việt Nam với những sắc thái khác nhau. Ca dao thường sử dụng cặp câu 6 và 8, và tất cả ca dao dường như đều thấm đẫm chất trữ tình ẩn chứa trong đó.
Tóm lại, văn học dân gian đều truyền tải những thông điệp, tình cảm, giá trị tốt đẹp đối với cuộc sống của con người. Dù cho có những sự phá cách nhưng ca dao, tục ngữ đều làm nên giá trị đặc trưng cho nền văn học dân gian Việt Nam.