Mục lục
Vài nét khái quát văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ 20
Hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa
Chiến thắng ngày 30/4/1975 đã mở ra thời kì độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước nhưng sau đó là một thập kỉ đầy khó khăn, thử thách do hậu quả chiến tranh kéo dài suốt 30 năm.
Từ năm 1986, nhờ công cuộc đổi mới, kinh tế đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và văn hóa cũng có điều kiện tiếp xúc với văn hóa nhiều nước trên thế giới.
Những chuyển biến và một số thành tựu ban đầu
Giai đoạn sau năm 1975, thơ không còn phát triển mạnh mẽ như trước mà nở rộ những tác phẩm trường ca. Khuynh hướng chung của trường ca là tổng kết, khái quát về chiến tranh, những tác phẩm tiêu biểu gồm: Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu…
– Những tác phẩm văn xuôi tiêu biểu gồm: Đứng trước biển, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn; Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng; Thời xa vắng của Lê Lựu; Bến không chồng của Dương Hướng; Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.
– Những tác phẩm kịch tiêu biểu gồm: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ; Mùa hè ở biển của Xuân Trình.
Văn học giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986 là chặng đường chuyển tiếp, trăn trở, tìm đường đổi mới. Từ sau năm 1986 là chặng đường đổi mới toàn diện theo khuynh hướng dân chủ hóa, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc; có tính hướng nội, quan tâm tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh đời thường, phức tạp với sự đổi mới về nghệ thuật.