Vận động là một khái niệm cơ bản của triết học, liên quan mật thiết với các khái niệm triết học khác. Quan điểm về vận động có thể là duy vật hay duy tâm, biện chứng hay siêu hình. Quan điểm duy vật biện chứng về vận động là đúng đắn và có nội dung sâu sắc. Quan điểm đó đã được trình bày trong các sách giáo khoa về triết học Mác – Lênin. Tuy nhiên, cách hiểu quan điểm biện chứng về vận động (nhất là quan điểm về phương thức, khuynh hướng và nguyên nhân của vận động) còn chưa có sự thống nhất; cách trình bày quan điểm biện chứng về vận động còn thiếu tính khái quát, thiếu rõ ràng. Bài viết này góp thêm ý kiến về cách hiểu và cách trình bày đối với quan điểm biện chứng về vận động.
1. Dấu hiệu nhận biết vận động
Vận động với tính cách một khái niệm của triết học là “tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy” [10, tr.519], “là sự biến đổi nói chung, là mọi sự tác động qua lại giữa các khách thể vật chất” [14, tr.660]. Theo nghĩa này, khái niệm vận động đồng nghĩa với các khái niệm thay đổi, biến đổi; trái nghĩa với các khái niệm đứng im, không thay đổi, không biến đổi. Để xác định một sự vật (hoặc vật) nào đó có vận động hay không, ta cần phải so sánh sự vật ấy ở hai thời điểm khác nhau. Nếu một sự vật vào thời điểm trước và vào thời điểm sau là giống nhau, thì sự vật đó không vận động. Ngược lại, nếu một sự vật vào thời điểm trước và vào thời điểm sau là khác nhau, thì sự vật đó có vận động. Nói cách khác, một sự vật có vận động nếu vào thời điểm trước nó có (hoặc không có) một thuộc tính nào đó, còn vào thời điểm sau không có (hoặc có) thuộc tính đó. Một sự vật không vận động nếu vào thời điểm trước nó có (hoặc không có) một thuộc tính nào đó, còn vào thời điểm sau cũng có (hoặc không có) thuộc tính đó. Căn cứ vào dấu hiệu nhận biết vận động như trên, từ kết quả quan sát (bằng mắt hoặc bằng các dụng cụ đo), mọi người đều dễ dàng xác định được một sự vật bất kỳ ở thời điểm sau có vận động hay không vận động so với thời điểm trước.
2. Các hình thức của vận động
Vận động có nhiều hình thức khác nhau tùy theo cách phân loại. Trong các sách giáo khoa triết học, vận động được phân loại thành 5 hình thức gồm vận động cơ học, vận động vật lý, vận động hóa học, vận động sinh học, vận động xã hội. Cách phân loại này căn cứ theo cách phân loại khoa học thành cơ học, vật lý học, hóa học, sinh học, khoa học xã hội; đồng thời dựa trên quan niệm cho rằng mỗi khoa học nghiên cứu một loại vận động. Trong 5 hình thức vận động này, vận động cơ học là hình thức cơ bản nhất; bởi vì, bất kỳ sự vật nào dù to và nhỏ đến đâu cũng đều thay đổi về vị trí trong không gian. Ngoài cách trên, còn có một số cách phân loại đáng chú ý như sau.
Thứ nhất, vận động được phân loại thành 3 hình thức gồm vận động theo chiều hướng đi lên, vận động theo chiều hướng đi xuống, vận động theo chiều hướng không đi lên và không đi xuống (trong đó, vận động theo chiều hướng đi lên được gọi là phát triển; còn vận động theo chiều hướng đi xuống được gọi là thoái hóa). Cách phân loại này căn cứ vào mức độ tiến bộ và không tiến bộ của sự vật ở thời điểm sau so với thời điểm trước. Sự vật ở thời điểm sau so với thời điểm trước có thể là tiến bộ nhiều hơn, tiến bộ ít hơn, tiến bộ không nhiều hơn và không ít hơn. Tương tự, vận động cũng gồm có 3 hình thức tương ứng (phát triển, thoái hóa, không phát triển và không thoái hóa). Ví dụ, sự thay đổi của một người cụ thể từ trạng thái yếu sang trạng thái khỏe là phát triển, từ trạng thái khỏe sang trạng thái yếu là thoái hóa; thay đổi của một quốc gia cụ thể từ nghèo sang giàu là phát triển, từ giàu sang nghèo là thoái hóa. Thay đổi thời tiết ở một vùng cụ thể từ mưa sang nắng, hoặc từ nắng sang mưa là không phát triển và không thoái hóa. Lịch sử của thế giới sinh vật và xã hội loài người tuy có lúc là thoái hóa, nhưng nhìn chung là phát triển. Còn lịch sử của thế giới tự nhiên vô sinh nhìn chung là không phát triển và không thoái hóa.
Thứ hai, vận động được phân loại thành 2 hình thức gồm thay đổi về chất và thay đổi về lượng. Cách phân loại này căn cứ vào thuộc tính chất hay thuộc tính lượng của sự vật. Theo đó, sự vật chỉ có thuộc tính chất và thuộc tính lượng; thay đổi của sự vật cũng gồm có thay đổi về chất và thay đổi về lượng. Ví dụ, thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng là thay đổi về chất; thay đổi từ nóng 50 độ C đến nóng 60 độ C là thay đổi về lượng; thay đổi từ nghèo sang giàu hoặc từ giàu sang nghèo là thay đổi về chất; thay đổi từ nghèo ở mức độ thu nhập bình quân 100 USD/người/năm sang nghèo ở mức độ thu nhập bình quân 200 USD/người/năm là thay đổi về lượng.
Thứ ba, vận động được phân loại thành 3 hình thức gồm vận động của tự nhiên, vận động của xã hội, vận động của tư duy (trong đó, vận động của tự nhiên gồm vận động của tự nhiên vô sinh, vận động của tự nhiên hữu sinh). Cách phân loại này căn cứ vào các lĩnh vực của thế giới. Theo đó, thế giới có 3 lĩnh vực gồm tự nhiên, xã hội, tư duy; vận động cũng gồm có vận động của tự nhiên, vận động của xã hội, vận động của tư duy. Ví dụ, sự chuyển động của các vì sao là vận động của tự nhiên vô sinh; sự mất đi của một cá thể sinh vật là vận động của tự nhiên hữu sinh; sự thay đổi chế độ chính trị của một quốc gia là vận động của xã hội; sự tăng trưởng tri thức của con người là vận động của tư duy.
Thứ tư, vận động được phân loại thành nhiều hình thức gồm thay đổi về vị trí, thay đổi về khối lượng, thay đổi về hình dáng, thay đổi về màu sắc, thay đổi về điện, thay đổi về nhiệt, thay đổi về tư duy, v.v.. Cách phân loại này căn cứ vào các thuộc tính có trong thế giới. Theo đó, nếu thế giới có bao nhiêu thuộc tính, thì vận động cũng có bấy nhiêu loại tương ứng.
3. Quan hệ giữa vật chất và vận động
Về vấn đề quan hệ giữa vật chất và vận động, quan điểm biện chứng cho rằng, vật chất và vận động không tách rời nhau; vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất; bất kỳ sự vật nào cũng đều luôn luôn vận động; sự không vận động ở một số sự vật chỉ diễn ra tạm thời ở một hình thức nào đó; vận động là tuyệt đối; không vận động là tương đối. Quan điểm biện chứng đó được thể hiện cô đọng ở luận điểm của Ph.Ăngghen: “Vận động là phương thức tồn tại của vật chất” [10, tr.833]. Trong khi đó, theo quan điểm siêu hình, vận động có thể tách rời vật chất; vận động không phải là tuyệt đối. Ví dụ, theo quan điểm siêu hình, thế giới vật chất lúc đầu không vận động, sau đó nhờ có cái hích của Thượng Đế nên mới vận động; hoặc thế giới vật chất mới có lịch sử cách đây 14 tỷ năm. Quan điểm siêu hình trái ngược với quan điểm biện chứng. Với quan điểm biện chứng, thế giới vật chất không có thời điểm bắt đầu; nó là vô tận về quá khứ và tương lai; nó luôn luôn vận động; sự vận động của thế giới vật chất bắt nguồn từ nguyên nhân nội tại của nó; trong thế giới đó có nhiều vũ trụ, một số vũ trụ đang co lại do lực hút, một số vũ trụ đang nở ra do lực đẩy, vũ trụ nào cũng có lúc co lại và có lúc nở ra. Dù cho 14 tỷ năm trước Vũ trụ mà ta nhìn thấy đã xảy ra vụ nổ lớn như lý thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang – một lý thuyết của khoa học tự nhiên và được cộng đồng khoa học tự nhiên chấp nhận rộng rãi cho rằng, Vũ trụ lúc đầu chỉ giới hạn trong một không gian cực nhỏ với mật độ và nhiệt độ cực cao; từ thời điểm cách đây khoảng 14 tỷ năm đã xảy ra vụ nổ lớn; sau thời điểm này, Vũ trụ bắt đầu giãn nở; nguyên tố đầu tiên được sinh ra là hiđrô; sau đó những đám mây khổng lồ chứa các nguyên tố nguyên thủy được hội tụ lại bởi hấp dẫn và tạo thành lên các ngôi sao, các thiên hà, các đám thiên hà [15]), nhưng Vũ trụ đó cũng chỉ là một trong các vũ trụ của thế giới vật chất. Vũ trụ mà ta nhìn thấy có lúc khởi đầu nhưng thế giới vật chất thì không có lúc khởi đầu.
Vận động cơ học (thường được gọi là chuyển động) là sự thay đổi về vị trí trong không gian. Không chỉ cơ học mà cả triết học cũng nghiên cứu sự thay đổi của các sự vật về vị trí trong không gian. Để nhận biết một sự vật nào đó có vận động hay không, như đã nói ở trên, ta cần so sánh sự vật đó ở hai thời điểm khác nhau. Để nhận biết một sự vật nào đó có thay đổi về vị trí trong không gian hay không, ta cũng cần phải so sánh sự vật đó ở hai thời điểm khác nhau. Nhưng vấn đề là ở chỗ, để nhận biết một sự vật nào đó có thay đổi về vị trí trong không gian hay không, ta có cần phải so sánh sự vật đó với một sự vật khác (sự vật khác này được gọi là hệ quy chiếu) hay không? Về vấn đề này có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm biện chứng cho rằng, để xác định vị trí trong không gian của một sự vật nào đó, ta phải lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu; từ đó, để xác định một sự vật bất kỳ nào đó có thay đổi về vị trí trong không gian hay không, ta cần phải lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu. Câu hỏi “sự vật này ở vị trí nào trong không gian, có chuyển động hay không?” là câu hỏi vô nghĩa, vì ở đó không có một sự vật khác được lấy làm hệ quy chiếu. Câu hỏi “sự vật này ở vị trí nào trong không gian, có chuyển động trong chân không hay không?” cũng là câu hỏi vô nghĩa, vì chân không không phải là một sự vật và không thể được lấy làm hệ quy chiếu. Nếu trong thế giới chỉ có một sự vật nào đó (không có sự vật khác để làm hệ quy chiếu), thì ta không thể nói rằng sự vật ấy ở vị trí nào trong không gian, có chuyển động hay không, càng không thể nói rằng sự vật ấy có chuyển động thẳng đều hay không. Ví dụ, khi ngồi trong một thang máy đóng kín, ta không thể nói rằng thang máy này là chuyển động hay không chuyển động, cũng không thể nói rằng nó chuyển động thẳng đều hay chuyển động không thẳng đều, vì ta không thể lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu (dù cho ta thấy các đồ vật trong thang máy bỗng nhiên bị xô đẩy, hoặc ta cảm thấy mình ở trạng thái không trọng lượng). Ví dụ khác, nếu trong thế giới chỉ có Quả Đất, thì ta không thể nói rằng Quả Đất tự xoay quanh trục của nó, vì ta không thể lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu; trục của Quả Đất chỉ là sự tưởng tượng mà thôi, không phải là một sự vật. Vì sự thay đổi về vị trí trong không gian phụ thuộc vào hệ quy chiếu mà ta chọn, nên tốc độ chuyển động của một sự vật bất kỳ cũng phụ thuộc vào hệ quy chiếu mà ta chọn, tốc độ đó là không có giới hạn. Một sự vật có các tốc độ chuyển động khác nhau tùy theo hệ quy chiếu được ta chọn; tốc độ chuyển động nào cũng đều có ý nghĩa như nhau (tức là cũng đều thực như nhau, chứ không phải rằng tốc độ chuyển động này là thực, còn tốc độ chuyển động kia là biểu kiến). Ví dụ, nếu lấy Quả Đất làm hệ quy chiếu thì trong 24 giờ, Mặt Trời đi được quãng đường bằng chiều dài của đường tròn có bán kính 150 triệu km, một vì sao cách Quả Đất 1.000 năm ánh sáng đi được quãng đường bằng chiều dài của đường tròn có bán kính 1.000 năm ánh sáng; còn nếu lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu thì Mặt Trời và vì sao đó là đứng yên. Ví dụ khác, tốc độ chuyển động của một hạt ánh sáng phát ra từ Mặt Trời tuy so với Mặt Trời là 300.000 km/s, nhưng so với một hạt ánh sáng khác trong cùng chùm ánh sáng đó lại bằng 0 (đứng yên). Bởi vì, mỗi hạt ánh sáng cũng là một sự vật; tốc độ chuyển động của mỗi hạt ánh sáng cũng không ngoại lệ so với tốc độ chuyển động của các sự vật khác; tốc độ chuyển động đó không phải là cố định, mà là thay đổi theo hệ quy chiếu được ta lựa chọn.
Quan điểm siêu hình cho rằng, để xác định vị trí trong không gian của một sự vật nào đó, ta có thể không cần phải lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu, mà có thể lấy không gian làm hệ quy chiếu; từ đó, để xác định một sự vật bất kỳ nào đó có thay đổi về vị trí trong không gian hay không thì ta có thể lấy không gian làm hệ quy chiếu, mà không cần phải lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu. Không gian theo quan điểm siêu hình giống như một cái thùng rỗng, trong đó chứa các sự vật; không có các sự vật vẫn có không gian; không gian là hệ quy chiếu lý tưởng để xác định vị trí trong không gian của mọi sự vật, và cũng là hệ quy chiếu lý tưởng để xác định sự thay đổi và sự không thay đổi về vị trí trong không gian của mọi sự vật. Vị trí trong không gian của một sự vật nào đó so với không gian là tuyệt đối vì vị trí đó không phụ thuộc vào các sự vật khác. Vị trí trong không gian của một sự vật nào đó so với một sự vật khác là tương đối vì vị trí đó phụ thuộc vào sự vật được ta chọn làm hệ quy chiếu. Quan điểm này đã thống trị trong một thời kỳ phát triển lâu dài của triết học và cơ học. Trong lịch sử của triết học và cơ học, đã từng có cuộc tranh luận gay gắt kéo dài giữa những người cho rằng Quả Đất là trung tâm của thế giới (đại biểu là Ptôlêmê) với những người cho rằng Mặt Trời là trung tâm của thế giới (đại biểu là Aritxtốt, Acsimét, Côpécnic). Cuộc tranh luận này là hoàn toàn vô nghĩa, vì bất kỳ sự vật nào cũng có thể được lấy làm hệ quy chiếu, hệ quy chiếu nào cũng có giá trị như nhau, bất kỳ sự vật nào cũng có thể được lấy làm trung tâm của thế giới. Người đầu tiên phê phán quan điểm siêu hình nói trên là Gióoc giơ Bơcơli (1685- 1753). Những người tiếp nối là Engxtơ Makhơ (1838-1916), Anbe Anhxtanh (1879-1955). Ph.Ăngghen và V.I.Lênin tuy không bàn trực tiếp về vấn đề nguyên tắc xác định vị trí và chuyển động của các sự vật trong không gian, nhưng các ông cho rằng không gian không tách rời vật chất. Ph.Ăngghen viết: “Các hình thức cơ bản của mọi tồn tại là không gian và thời gian; tồn tại ngoài thời gian thì cũng hết sức vô lý như tồn tại ở ngoài không gian” [10, tr.78]. V.I.Lênin viết: “Trong thế giới không có gì ngoài vật chất đang vận động và vật chất đang vận động không thể vận động ở đâu ngoài không gian và thời gian” [12, tr.209- 210]. Vì không gian không tách rời vật chất, nên ta không thể lấy không gian phi vật chất làm hệ quy chiếu, mà phải lấy sự vật có không gian làm hệ quy chiếu.
Quan điểm biện chứng nói trên về chuyển động (tức là quan điểm cho rằng để xác định một sự vật nào đó có chuyển động hay không chuyển động, ta nhất thiết phải lấy một sự vật khác làm hệ quy chiếu) có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong cơ học và cả trong triết học. Quan điểm đó là một luận cứ chứng minh rằng, không có không gian phi vật chất. Quan điểm đó cũng là một luận cứ chứng minh rằng, để xác định một sự vật bất kỳ có hay không có một thuộc tính nào đó (không chỉ thuộc tính chuyển động mà cả các thuộc tính khác), ta cần phải so sánh sự vật ấy với một sự vật khác (tức là phải đặt sự vật ấy trong quan hệ với một sự vật khác); nếu trong thế giới chỉ có một sự vật nào đó, thì ta không thể nói rằng sự vật ấy là gì, có hay không có một thuộc tính nào đó.
5. Tốc độ của vận động
Tốc độ vận động khác với tốc độ chuyển động. Tốc độ chuyển động của một sự vật cho biết sự vật đó chuyển động nhanh hay chậm. Ví dụ, cho rằng tốc độ chuyển động của con tàu là 20 km/giờ có nghĩa là cho rằng, mức độ thay đổi về khoảng cách trong 1 giờ của con tàu là 15 km. Tốc độ vận động của một sự vật cho biết sự vật đó thay đổi nhanh hay chậm ở mức độ nào. Tốc độ vận động chậm nhất là 0. Vận động với tốc độ bằng 0 là không vận động; nói cách khác, không vận động là trạng thái của vận động với tốc độ bằng 0. Ví dụ, cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một năm của một quốc gia là 7% có nghĩa là cho rằng, mức độ thay đổi về kinh tế của quốc gia trong một năm là 7%. Để xác định được tốc độ vận động của một sự vật (về một thuộc tính nào đó), ta cần so sánh mức độ thay đổi của sự vật về trong một đơn vị thời gian. Kết quả đo lường đó sẽ cho biết về tốc độ vận động của sự vật. Tốc độ vận động là một phương diện quan trọng của vận động. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu triết học về vận động, phương diện này không được đề cập. Mặc dù vậy, khái niệm tốc độ vận động không phải là xa lạ. Bởi vì, khi nói rằng một sự vật nào đó thay đổi nhanh hoặc thay đổi chậm về một thuộc tính nào đó, người ta đã đề cập đến tốc độ vận động của sự vật ấy.
6. Khuynh hướng của vận động
Quan điểm biện chứng về khuynh hướng của vận động là thừa nhận quy luật phủ định của phủ định, vì quy luật này nói về khuynh hướng của vận động. Theo quan điểm biện chứng, khuynh hướng của vận động là phủ định của phủ định (như tên gọi của quy luật). Để chứng minh cho quan điểm đó, Ph.Ănghen nêu ra ví dụ về sự thay đổi của hạt lúa thành cây lúa và sự thay đổi của cây lúa thành hạt lúa mới. Về ví dụ này, ta cần giải thích cụ thể hơn. Theo đó, hạt lúa và cây lúa là hai thuộc tính đối lập; lúa chỉ gồm có hạt lúa và cây lúa; hạt lúa là không-cây lúa; cây lúa là không-hạt lúa. Một sự vật có thuộc tính hạt lúa theo quy luật tự nhiên sẽ thay đổi theo hướng thành một sự vật có thuộc tính cây lúa; sự vật có thuộc tính cây lúa sẽ thay đổi theo hướng thành sự vật có thuộc tính hạt lúa. Sự chuyển hóa lẫn nhau giữa hạt lúa và cây lúa là không ngừng. Từ ví dụ trên, ta có thể tóm tắt quan điểm biện chứng về khuynh hướng của vận động thành công thức khái quát như sau. Sự vật có thuộc tính A sẽ thay đổi theo hướng thành sự vật có thuộc tính không-A; sự vật có thuộc tính không-A sẽ thay đổi theo hướng thành sự vật có thuộc tính không-không-A. Trong đó, A và không-A là hai thuộc tính đối lập; phủ định A là không-A; phủ định của phủ định A là không-không-A; không-không-A là A; sự vật có thuộc tính không-không-A lặp lại sự vật có thuộc tính A. Nếu thay A bằng một thuộc tính cụ thể, ta sẽ có một ví dụ để chứng minh cho quan điểm biện chứng về khuynh hướng của vận động.
Quan điểm biện chứng về khuynh hướng của vận động là đúng đắn hiển nhiên. Tuy nhiên, để thấy được tính đúng đắn hiển nhiên của quan điểm đó, ta cần có quan điểm biện chứng về “sự vật” và “thuộc tính”. Theo đó, trong thế giới vật chất chỉ có các sự vật và các thuộc tính; sự vật là “bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại tương đối độc lập” [14, tr.661]; thuộc tính là “tính chất không thể tách rời của sự vật, không có tính chất đó thì sự vật không thể tồn tại, không thể tư tưởng được” [14, tr.553]; thế giới có vô số sự vật; mỗi sự vật có vô số thuộc tính; sự vật này giống và khác với sự vật kia ở thuộc tính của chúng; mỗi sự vật chỉ tồn tại trong một thời gian rồi mất đi; mỗi thuộc tính thì tồn tại mãi. Ví dụ, “hạt lúa này” là một sự vật chứ không phải là một thuộc tính; “hạt lúa” là một thuộc tính chứ không phải là một sự vật; tương tự, “cây lúa này” là một sự vật chứ không phải là một thuộc tính; “cây lúa” là một thuộc tính chứ không phải là một sự vật; “hạt lúa này” và “cây lúa này” thì mất đi (do già yếu hoặc do sâu bệnh, thiên tai), nhưng “hạt lúa” và “cây lúa” thì vẫn còn tồn tại mãi ở những sự vật khác.
Để thấy được tính đúng đắn hiển nhiên của quan điểm biện chứng về khuynh hướng của vận động, ta cũng cần có quan điểm biện chứng về “có” và “không có”. Theo đó, “không có thuộc tính A” cần được hiểu là “có thuộc tính không-A”. Ví dụ, “không có thuộc tính tốt” được hiểu là “có thuộc tính không-tốt”; “không có thuộc tính nhân” được hiểu là “có thuộc tính phi-nhân; “không có thuộc tính sắt” được hiểu là “có thuộc tính không-sắt”; “không có thuộc tính hạt lúa” được hiểu là “có thuộc tính không-hạt lúa”; “không có thuộc tính cây lúa” được hiểu là “có thuộc tính không-cây lúa”. Từ đó, mệnh đề “Sự vật này thay đổi từ chỗ có thuộc tính A (hay không có thuộc tính A), đến chỗ không có thuộc tính A (hoặc có thuộc tính A)” được hiểu đồng nghĩa với mệnh đề “Sự vật này thay đổi từ chỗ có thuộc tính A (hoặc có thuộc tính không-A), đến chỗ có thuộc tính không-A (hoặc có thuộc tính A)”. Nếu quan niệm như trên về sự vật, thuộc tính, về có và không có, đồng thời nếu cho rằng mọi sự vật đều luôn luôn thay đổi, thì tất nhiên ta phải thừa nhận rằng, mọi sự vật đều có xu hướng thay đổi từ chỗ có thuộc tính A đến chỗ có thuộc tính không-A, và từ chỗ có thuộc tính không-A đến chỗ có thuộc tính không- không-A.7. Phương thức của vận động
Quan điểm biện chứng về phương thức của vận động là thừa nhận quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại, vì quy luật này nói về phương thức của vận động. Theo quan điểm biện chứng, phương thức của vận động là chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại (như tên gọi của quy luật). Để chứng minh cho quan điểm đó, Ph.Ănghen nêu ra ví dụ về quan hệ giữa sự thay đổi nhiệt độ của nước và sự thay đổi trạng thái lỏng của nước. Theo đó, trong điều kiện áp suất không khí 1 atm, nước thay đổi từ trạng thái lỏng sang trạng thái không-lỏng dạng hơi ở nhiệt độ 100 độ C và sang trạng thái không- lỏng dạng rắn ở nhiệt độ 0 độ C; khi nước thay đổi từ trạng thái lỏng sang trạng thái không-lỏng thì lượng của trạng thái không thay đổi thành lượng của trạng thái không-lỏng. Về ví dụ này, ta cần giải thích cụ thể hơn. Theo đó, có 4 mối quan hệ: quan hệ giữa lượng của chất lỏng với chất lỏng, quan hệ giữa lượng của chất không-lỏng với chất không-lỏng, quan hệ giữa lượng của chất nóng với chất nóng, quan hệ giữa lượng của chất không-nóng với chất không- nóng. Sự chuyển hóa từ chất lỏng sang chất không-lỏng có nguyên nhân trực tiếp từ sự thay đổi về lượng của chất lỏng; khi mức độ lỏng đạt tới giới hạn thấp nhất thì chất lỏng chuyển thành chất không-lỏng kiểu rắn; khi lượng của chất lỏng đạt tới giới hạn lớn nhất thì chất lỏng chuyển hóa thành chất không-lỏng kiểu hơi. Sự chuyển hóa từ chất nóng sang chất không-nóng có nguyên nhân từ sự thay đổi về lượng của chất nóng; khi mức độ nóng đạt tới giới hạn thấp nhất thì chất nóng chuyển thành chất không- nóng (cụ thể thành chất lạnh). Sự chuyển hóa từ chất lỏng sang chất không-lỏng tuy có nguyên nhân trực tiếp từ sự thay đổi về lượng của chất lỏng, nhưng lại có nguyên nhân gián tiếp từ sự thay đổi về lượng của chất-nóng. Sự thay đổi về lượng của chất nóng dẫn đến sự thay đổi về lượng của chất lỏng, sự thay đổi về lượng của chất lỏng đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến sự thay đổi từ chất lỏng sang chất không-lỏng. Từ ví dụ trên, ta có thể tóm tắt quan điểm biện chứng về phương thức của vận động thành công thức khái quát như sau. Sự vật có thuộc tính A sẽ tăng hay giảm dần dần về lượng của thuộc tính A; khi lượng của thuộc tính A thay đổi đến một mức độ nhất định thì sự vật có thuộc tính A sẽ thay đổi nhảy vọt thành sự vật có thuộc tính không-A; khi sự vật có thuộc tính A thay đổi thành sự vật có thuộc tính không-A thì lượng của thuộc tính A sẽ thay đổi thành lượng của thuộc tính không-A. Nếu thay A bằng một thuộc tính cụ thể, ta sẽ có một ví dụ để chứng minh cho quan điểm biện chứng về phương thức của vận động.
8. Nguyên nhân của vận động
Quan điểm biện chứng về nguyên nhân của vận động là thừa nhận quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, vì quy luật này nói về nguyên nhân của vận động. Theo quan điểm biện chứng, nguyên nhân của vận động là thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập (như tên gọi của quy luật). Về quan điểm này, Ph.Ăngghen viết: “Bản thân sự vận động đã là một mâu thuẫn; ngay như sự di động một cách máy móc và đơn giản sở dĩ có thể thực hiện được, cũng chỉ là vì một vật trong cùng một lúc vừa ở nơi này lại vừa ở nơi khác, vừa ở cùng một chỗ lại vừa không ở chỗ đó” [10, tr.172-173]. Trong Bút ký triết học, V.I.Lênin đã trích dẫn ý kiến của Hêghen như sau: “Còn vận động có nghĩa là: vừa ở chỗ này, nhưng đồng thời lại không ở chỗ này; đó là tính liên tục của không gian và của thời gian – và chính tính liên tục đó làm cho vận động có thể được thực hiện”. Khi dẫn lại ý kiến đó, V.I.Lênin nhận xét: “đúng” [13, tr.274] và viết thêm: “Điều kiện của một sự nhận thức về tất cả các quá trình của thế giới trong “sự tự vận động”của chúng, trong sự phát triển tự phát của chúng, trong đời sống sinh động của chúng là sự nhận thức chúng với tính cách là sự thống nhất của các mặt đối lập” [13, tr.379], “Vận động là sự có mặt của một vật thể, trong một lúc nhất định, tại một chỗ nhất định, trong một lúc khác, lúc tiếp theo sau, lại tại một chỗ khác – đó là lời phản đối mà Tséc-nốp nhắc lại (…). Lời phản đối này là không đúng: (1) nó mô tả kết quả của vận động, chứ không phải bản thân vận động; (2) nó không vạch ra, không bao hàm trong nó tính khả năng của vận động; (3) nó biểu hiện vận động như là một số cộng, một chuỗi trạng thái đứng im” [13, tr.274].
Từ các ý kiến trên (của Hêghen, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin), ta có thể tóm tắt quan điểm biện chứng về nguyên nhân của vận động thành công thức khái quát như sau. Sở dĩ sự vật có thuộc tính A thay đổi thành sự vật có thuộc tính không-A, và sự vật có thuộc tính không- A thay đổi thành sự vật có thuộc tính A là vì, thuộc tính A thống nhất và đấu tranh với thuộc tính không-A. Thuộc tính A và thuộc tính không-A vừa thống nhất với nhau (tức là nương tựa vào nhau, xâm nhập vào nhau, tồn tại đồng thời với nhau trong một sự vật), vừa đấu tranh với nhau (tức là tác động đến nhau theo hai hướng ngược nhau). Sự đấu tranh giữa thuộc tính A và thuộc tính không-A làm cho sự vật thay đổi từ chỗ thuộc tính A mạnh hơn (hoặc yếu hơn) thuộc tính không-A đến chỗ thuộc tính không-A mạnh hơn (hoặc yếu hơn) thuộc tính A, hoặc làm cho sự vật thay đổi từ chỗ có đến chỗ không có cả thuộc tính A và thuộc tính không-A. Nếu thay A bằng một thuộc tính cụ thể, ta sẽ có một ví dụ để chứng minh cho quan điểm biện chứng về nguyên nhân của vận động.
Thực chất của quan điểm biện chứng nói trên là thừa nhận rằng “một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không- A” (hoặc “một sự vật vừa là A vừa là không-A”). Công thức “một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không-A” có vẻ bề ngoài trái với tư duy thông thường, vì thế, thường bị những người siêu hình coi “chỉ là trò xảo quyệt”. Ph.Ăngghen đã phê phán những người siêu hình như sau: “Nhà siêu hình học suy nghĩ bằng những sự tương phản hoàn toàn trực tiếp; họ nói: “Có là có, không là không; ngoài cái đó ra chỉ là trò xảo quyệt”. Đối với họ thì sự vật hoặc là tồn tại hoặc là không tồn tại; một sự vật không thể vừa là bản thân nó lại vừa là một sự vật khác. Cái khẳng định và cái phủ định tuyệt đối bài trừ lẫn nhau; nguyên nhân và kết quả cũng đối lập hẳn với nhau. Phương pháp tư duy ấy mới xem thì có vẻ hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi vì nó là phương pháp của cái mà người ta gọi là lý trí lành mạnh của con người. Nhưng lý trí lành mạnh của con người ta, tuy là một người bạn đường rất đáng kính trong bốn bức tường sinh hoạt của gia đình, cũng sẽ trải qua những cuộc phiêu lưu kỳ lạ nhất một khi nó mạo hiểm bước vào thế giới nghiên cứu rộng lớn” [10, tr.36-37]; “Tính đồng nhất trừu tượng (a = a; và cả dưới hình thức phủ định: a không thể đồng thời vừa là a vừa không phải là a), cũng không thể dùng được trong giới hữu cơ” [10, tr.698], “Nguyên lý đồng nhất, theo nghĩa của siêu hình học cũ, là nguyên lý cơ bản của thế giới quan cũ: a = a. Mọi vật đều đồng nhất với bản thân” [10, tr.698-700].
Công thức “một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không-A” tuy có vẻ bề ngoài trái với tư duy thông thường, nhưng thực ra không trái với tư duy thông thường. Vì sao? Vì ở công thức đó, thuộc tính A và thuộc tính không-A tuy tồn tại đồng thời ở một sự vật nhưng một thuộc tính tồn tại dưới dạng hiện thực, còn một thuộc tính tồn tại dưới dạng khả năng, hoặc cả hai thuộc tính tồn tại dưới dạng khả năng. Khi nói rằng “sự vật S có khả năng có thuộc tính A”, thì ta cần hiểu rằng sự vật S có thuộc tính A dưới dạng khả năng. Ví dụ, khi nói rằng một người nào đó hôm qua khỏe nhưng có khả năng yếu, còn hôm nay yếu nhưng có khả năng khỏe, thì ta cần hiểu rằng, người đó hôm qua người đó có thuộc tính khỏe dưới dạng hiện thực và có thuộc tính yếu dưới dạng khả năng; còn hôm nay người đó có thuộc tính yếu dưới dạng hiện thực và có thuộc tính khỏe dưới dạng khả năng. Hiểu như vậy là cho rằng một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không-A. Ví dụ khác, đối với một hạt lúa cụ thể, ta cần hiểu rằng, nó có thuộc tính hạt lúa dưới dạng hiện thực, có thuộc tính cây lúa dưới dạng khả năng; đối với một cây lúa cụ thể, ta cần hiểu rằng, nó có thuộc tính cây lúa dưới dạng hiện thực, có thuộc tính hạt lúa dưới dạng khả năng. Ví dụ khác nữa, khi nói rằng “cái cốc này là đất, không phải là sứ”, ta cần hiểu rằng, cái cốc đó về hiện thực có thuộc tính đất, về khả năng có thuộc tính không-đất, về hiện thực có thuộc tính không-sứ, về khả năng có thuộc tính sứ; nói cách khác, bốn thuộc tính đất, không- đất, sứ, không-sứ đều tồn tại ở cái cốc này, trong đó, đất và không-sứ tồn tại dưới dạng hiện thực; còn không-đất và sứ tồn tại dưới dạng khả năng. Bằng trực quan chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được thuộc tính tồn tại dưới dạng hiện thực; không nhìn thấy được thuộc tính tồn tại dưới dạng khả năng (dạng hiện thực là dạng hiện, dạng khả năng là dạng ẩn, dạng hiện thì có thể nhìn thấy, còn dạng ẩn thì không thể nhìn thấy). Nếu chỉ thừa nhận thuộc tính tồn tại dưới dạng hiện thực, không thừa nhận thuộc tính tồn tại dưới dạng khả năng, thì công thức “một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không-A” đúng là “trò xảo quyệt”. Còn nếu thừa nhận rằng một thuộc tính có thể tồn tại dưới dạng hiện thực hoặc dưới dạng khả năng, thì công thức “một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không-A” không phải là “trò xảo quyệt”, mà là công thức đúng đắn. Nếu không thừa nhận công thức đó, thì ta chỉ có thể mô tả được kết quả của vận động dựa trên trực quan (tức là thấy sao thì nói vậy), mà không chỉ ra được nguyên nhân của vận động (tức là không hiểu được bản chất của vận động).
Ở phương Tây, công thức “một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không-A” lần đầu tiên được Hêghen nêu ra; sau đó được Ph.Ăngghen và V.I.Lênin kế thừa và phát triển. Còn ở phương Đông, công thức này được trình bày trong thuyết âm dương từ cách đây hàng ngàn năm dưới hình thức ngôn ngữ khác. Theo thuyết âm dương (không có tài liệu nào nói về tên người sáng lập ra thuyết âm dương), tất cả các thuộc tính đa dạng của các sự vật trong thế giới cũng chỉ là âm và dương. Một cặp dương – âm là hai thuộc tính đối lập. Ví dụ, nóng – lạnh, sáng – tối, ngày – đêm, trên – dưới, tốt – xấu, con gà – trứng gà, cây lúa – hạt lúa, vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, nam – nữ, người bán – người mua, người trên – người dưới, người giàu – người nghèo, tư sản – vô sản là các cặp dương – âm. Mặc dù một số sự vật là dương, và một số sự vật là âm; nhưng sự vật nào cũng có âm và dương. Âm và dương thống nhất với nhau (tồn tại đồng thời với nhau, nương tựa vào nhau, xâm nhập vào nhau). Trong âm có dương, trong dương có âm. Sự khác nhau giữa sự vật âm và sự vật dương chỉ là sự khác nhau về mức độ tương quan về lượng giữa âm và dương. Ở sự vật âm thì âm mạnh và dương yếu (âm hiện và dương ẩn); ở sự vật dương thì dương mạnh và âm yếu (dương hiện và âm ẩn); ở sự vật trung tính thì âm và dương cân bằng nhau. Âm và dương tác động lẫn nhau. Sự tác động lẫn nhau giữa dương và âm làm cho sự vật thay đổi từ âm sang dương (tức là thay đổi từ chỗ âm mạnh dương yếu sang chỗ dương mạnh âm yếu), hoặc thay đổi từ dương sang sang âm (tức là thay đổi chỗ từ dương mạnh âm yếu sang chỗ âm mạnh dương yếu). Thuyết âm dương với nội dung như trên chính là học thuyết thừa nhận sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; là cách diễn đạt khác của công thức “một sự vật vừa có thuộc tính A vừa có thuộc tính không-A”.
Khi xem xét một sự vật trong quan hệ với vô số các sự vật khác và có vô số yếu tố, chúng ta đều nhận thấy rằng, nguyên nhân làm cho sự vật đó thay đổi là sự tác động từ các sự vật khác đến sự vật ấy (đây là nguyên nhân bên ngoài), hoặc là sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố trong sự vật ấy (đây là nguyên nhân bên trong). Có vô số nguyên nhân bên ngoài làm cho một sự vật nào đó thay đổi. Bất kỳ sự vật nào từ bên ngoài một sự vật nào đó cũng đều tác động (trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều hay ít) đến sự vật ấy, sự tác động đó đều là nguyên nhân làm cho sự vật ấy thay đổi. Nguyên nhân bên trong làm cho một sự vật nào đó thay đổi cũng vô cùng nhiều vì có vô số yếu tố. Bất kỳ yếu tố nào ở bên trong một sự vật nào đó cũng đều tác động đến các yếu tố khác của sự vật ấy, sự tác động đó đều làm cho yếu tố bị tác động thay đổi, khi một yếu tố thay đổi thì sự vật chứa yếu tố đó cũng thay đổi. Trong các nguyên nhân gây ra sự thay đổi của một sự vật, có nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân mạnh và nguyên nhân yếu, nguyên nhân chính và nguyên nhân phụ, nguyên nhân cơ bản và nguyên nhân không cơ bản, nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu. Mỗi nguyên nhân là một lực tác động theo một hướng và một cường độ. Các nguyên nhân khác nhau có thể tác động theo một hướng, nhiều hướng hoặc hai hướng ngược nhau. Tổng hợp các nguyên nhân ấy là nguyên nhân gây ra sự thay đổi của một sự vật. Tuy nhiên, khi xem xét một sự vật mà ở đó chỉ có hoặc không có một thuộc tính nào đó, thì ta sẽ thấy rằng, nguyên nhân bên trong gây ra sự thay đổi của sự vật ấy (từ chỗ có hoặc không có đến chỗ không có hoặc có thuộc tính ấy) là ở chỗ, nó đồng thời có hai thuộc tính đối lập nhau, hai thuộc tính đối lập đó tác động qua lại nhau theo hai hướng trái ngược nhau.
9. Kết luận
Quan điểm biện chứng về vận động là nội dung chủ yếu của phép biện chứng. Nội dung ba quy luật của phép biện chứng là phần cơ bản trong quan điểm biện chứng về vận động. Quan điểm biện chứng về vận động có nội dung sâu sắc và là cơ sở lý luận đúng đắn đối với việc nhận thức các vấn đề khoa học cụ thể. Đáng tiếc là, quan điểm biện chứng về vận động (nhất là quan điểm biện chứng về khuynh hướng, phương thức và nguyên nhân của vận động) chưa được trình bày một cách rõ ràng và khái quát; thậm chí còn bị một số người coi “chỉ là trò xảo quyệt”. Nhiều người khi mới tìm hiểu quan điểm biện chứng về vận động thì cho rằng quan điểm đó là phức tạp và khó hiểu. Quan điểm biện chứng về vận động không phức tạp. Tuy nhiên, cách trình bày của các sách giáo khoa triết học đối với quan điểm biện chứng về vận động còn phức tạp. Chính cách trình bày đó đã gây khó hiểu cho những người tìm hiểu quan điểm biện chứng nói chung và quan điểm biện chứng về vận động nói riêng. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu quan điểm biện chứng về vận động, tác giả của các sách giáo khoa triết học cần phải đơn giản hóa cách trình bày quan điểm biện chứng về vận động.