Site icon Thông tin Tuyển sinh

Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia trước 2 tháng hiệu quả

Với chút kiến thức và kinh nghiệm nông cạn, thi thử được vỏn vẹn 17đ cho tới lúc thi chính thức >27đ, anh xin phép chia sẻ kinh nghiệm ôn thi giai đoạn nước rút của bản thân, hi vọng nó giúp ích cho các bạn được đôi chút.

Đặt ra mục tiêu, xác định mạnh yếu của bản thân

– Trước khi đặt mục tiêu nên xác định năng lực hiện tại của bản thân đang ở đâu? Nguyện vọng, mục tiêu ngành mình muốn vào thì chắc các em đã có trong đầu rồi, cứ lấy điểm số của các năm trước rồi đưa ra mục tiêu hợp lý để phấn đấu.

– Có một điều đáng lưu ý là điểm thi đh là tổng của 3 môn, cho nên việc học đều với các môn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.

Một ví dụ cho dễ hiểu: Trước đây lúc vừa mới thi thử xong thì anh đặt mục tiêu 25đ, theo lời thầy cô thì khá ảo tưởng nhưng kệ đi, tức mỗi môn 8đ, riêng Toán học cũng tạm từ bé nên đặt mục tiêu cao hơn là 9đ. Nó sẽ dễ hơn việc 10đ môn toán và 2 môn kia 7đ. Vì học phần 8đ các môn đó vẫn dễ hơn học để lấy 10 môn toán. Xác định mục tiêu xong thì chỉ ôn phần 8đ cho 2 môn kia, không tham lam ôn thêm phần khó, chỉ làm đi làm lại phần điểm mình muốn đạt được. Chứ nhiều khi mình đang ở mức 5-6đ, mà cứ cố làm hết đề, gặp mấy câu khó 9,10đ cũng cố nghiên cứu cách giải thì lúc đi thi dễ mà câu dễ làm sai, câu khó thì không làm được lắm. Mục tiêu 8đ thì cứ nắm chắc các dạng đó như thầy cô đã bảo, còn 2đ phần khó kia thì chọn bừa, xác suất cũng đc 0,5 rồi.

Rà soát lại các kiến thức cần nắm cho từng môn

– Xác định có những chương nào, kiến thức nào cần nắm để đạt mốc 7,8,9đ mà mình đặt ra đó, học thật kỹ lý thuyết và các dạng bài tập cơ bản. Cố tiết kiệm thời gian, học nhanh giai đoạn này lại cho bài bản để còn có thời gian luyện đề.

– Tiếp theo thì chắc chắn là tới luyện đề rồi. Cách luyện đề thế nào thì có 1 phương pháp rất hay là LẶP. Tuy nó nhàm chán nhưng cực kỳ hiệu quả. Bước 1 thì nên chọn tầm 5 đề của các trường nổi tiếng hoặc các đề có khả năng sát nhất với đề thi thật (cái này tự đoán thôi, hoặc hỏi xin thầy cô, xem đề nào chuẩn nhất, sát form nhất thì múc). Bước 2 khá là nhàm chán, nhưng đáng đồng tiền bát gạo nhất. Làm đi làm lại mỗi đề 10 lần, lười lắm thì cố làm ít nhất 5 lần, mỗi lần làm xong thì chấm điểm, kiểm tra lại bài làm mình ngay, xem sai sót chỗ nào rồi sửa. Lần sau làm lại kể cả biết trước câu trả lời thì cũng cố làm đầy đủ các bước để có thể ra được kết quả, đừng có chọn đáp án A, B, C, D vì “nhớ” kết quả lần trước chữa. Mình tự rèn luyện cho mình thôi mà, cứ tự giác. Trước anh chọn 10 đề mỗi môn mà lười quá chỉ làm được 5 đề, mỗi đề cũng chỉ có 4,5 lần thôi mà kết quả cũng rất khác rồi. Rèn phản xạ cũng như củng cố lại kthuc rất tốt. Như môn toán trước lần 1, lần 2 làm phải 120-150 phút mới làm xong, thì lần 3,4,5… thời gian sẽ rút ngắn dần, và điểm số cũng cao hơn. Tất nhiên mọi người lại nghĩ làm lại không cao hơn sao được đúng không, nhưng quan trọng nó giúp tư duy với các dạng đó được nhanh và chính xác hơn. Về sau khi gặp các đề mới cũng chỉ làm vù vù, lúc thi thật các môn anh làm 50′ là ngồi chơi rồi, tất nhiên còn thời gian thì làm lại và cố làm thử vài bài khó Còn bước 3 là bước thích nhất, làm đề mới. Đây là lúc hưởng thành quả thôi, làm bước 2 đầy đủ thì tới bước này năng lực khác ngay, thường tốc độ làm bài cũng tăng đáng kể, sẽ không còn kiểu biết làm mà không đủ thời gian để làm nữa. Sau khi tự tin với mốc điểm đó có thể nâng mục tiêu lên, nhưng cũng không khuyến khích lắm. Mục tiêu 24đ nắm chắc 24đ, chả nhẽ 6đ kia không khoanh lụi được 1-2đ nhở.

Chuẩn bị trước khi thi 1 tuần

– Cách ngày thi 1 tuần thì không thức khuya nữa, có thể nghe nhạc, xem một bộ phim hài tại nhà để tinh thần vui vẻ sảng khoái.

– Máy tính phải thay pin mới. Không mượn máy tính lạ, chưa quen sử dụng. Chú ý các Mod đang có của máy tính (độ, Rad). Chú ý nghiệm thực hay ảo trên máy tính. Bấm máy tính có thể bị nhầm nên phải kiểm tra lại.

– Sắm đủ dụng cụ thi, chứ đừng chờ tới sát ngày thi mới chịu đi mua nhé

– Có cái này hơi nhảm nhí nhưng anh thấy rất hiệu quả với anh. Đó là xem thời gian thi đh từng môn, rồi cứ vào khung giờ đấy hãy mang đề môn đó ra làm. Cũng nhờ thế mà lúc thi anh thông minh lên đáng kể.

Trong mỗi ngày thi:

– Mặc quần áo đẹp đi thi cho tự tin.

– Nếu quên giấy tờ thì cứ thi, sẽ làm cam kết tại Hội đồng thi, đừng chạy vội về nhà.

– Có mặt đúng quy định không sớm quá và không được muộn.

– Nên mang theo đồng hồ đeo tay, tuyệt đối không nên mang theo điện thoại di động.

Trong khi thi:

– Xem kỹ trong ngăn bàn, chung quanh chỗ ngồi của mình xem có tài liệu không.

– Đọc kỹ đề thi. Có chiến lược cái gì làm trước, làm sau. Tự tin và quyết đoán.

– Không được phép bỏ sót câu hỏi cần làm của bài thi.

– Biết lấy lại bình tĩnh khi run sợ và hồi hộp.

– Không trao đổi và không trông chờ sự giúp đỡ trong phòng thi.

– Biết dừng bài đúng lúc để dò lại phần làm được.

– Nộp bài, ký tên đúng quy định, nhận lại thẻ HS và phiếu dự thi. Chú ý các lời dặn của Hội đồng thi.

– Không nộp bài sớm. Không tự ý kết thúc bài làm khi còn dư giờ. Dò lại bài làm nhiều lần.

– Sau mỗi buổi thi nên về nhà, ăn uống, tắm rửa để đầy đủ sức khoẻ và tinh thần cho buổi thi mới.

– Không bi quan, bỏ cuộc vì một môn nào đó thất bại. Nghỉ ngơi 1 ngày sau thi.

Cuối cùng chúc các bạn thi tốt!

Exit mobile version