Con người luôn là đề tài không vơi cạn của văn học và đích đến của văn học luôn hướng tới con người. Hình tượng con người trong văn học thể hiện quan niệm nhân sinh của tác giả, quan niệm về văn hóa, về cuộc đời, về các quy luật vĩnh cửu của cuộc sống. Hình tượng con người tập trung mọi giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật văn học. Tuy nhiên, cũng giống như sự biến thiên không ngừng của các chuẩn mực mỹ học trong lịch sử, quan niệm về con người trong văn học cũng thay đổi theo từng thời kỳ, thời đại. Mỗi thời đại có một quan niệm về con người lý tưởng riêng, cách hiểu và đánh giá con người riêng biệt, và khi một biến cố lịch sử đủ lớn làm biến chuyển tư tưởng thì quan niệm đó cũng không còn vững chãi nữa, mà lung lay và bị thay thế.
Tìm hiểu sự thay đổi trong quan niệm về con người trong văn học qua các thời kỳ của một dân tộc có thể giúp cắt nghĩa được những biến chuyển trong quan niệm nhân sinh của dân tộc đó, phân tích sự thể hiện quan niệm con người không chỉ ở nội dung mà cả đặc trưng nghệ thuật, nâng cao mức độ đánh giá quan niệm con người trong văn học cả về chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh đó, khi đi sâu vào khai thác các khía cạnh trong việc thể hiện quan niệm về con người cho sẽ thấy sự phong phú, tiến bộ trong tư tưởng, văn hóa của một dân tộc, một thời đại cũng như những hạn chế cố hữu.
Quan niệm về con người của mỗi dân tộc qua từng thời kỳ đều thể hiện qua một hình tượng nhân vật văn học cụ thể, tiêu biểu. Với văn học Việt Nam, một nền văn học đã trải qua những năm tháng đấu tranh dựng nước và giữ nước, những năm tháng mà mưa bom, bão lửa trải rộng trên mọi vùng miền, hình tượng người lính trở thành một hình tượng tiêu biểu, điển hình, quy tụ những phẩm chất của thời đại và cũng thể hiện được những đặc điểm trong quan niệm của dân tộc về con người, nhất là trong và sau khi chiến tranh vừa kết thúc.
Bước ra từ chiến tranh, vẫn xuất hiện trong văn học với cây súng trên vai, nhưng sau năm 1975, nhất là từ mốc đổi mới văn học năm 1986, sự thể hiện hình tượng người lính đã có nhiều thay đổi, chuyển biến. Những thay đổi, chuyển biến này cho thấy ở tầm khái quát hơn sự chuyển biến về quan niệm con người, vì đây là hình tượng xuyên suốt cả một thời kỳ chiến đấu và duy trì tới thời kỳ đổi mới. Nhìn người lính ở các khía cạnh mới, các hoàn cảnh mới, đặt người lính vào những vai trò mới, đánh giá lại cả những huy hoàng và những mất mát của họ, văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã nhìn lại, đánh giá lại và thay đổi quan niệm một chiều về con người.
Trong các thể loại văn học, tiểu thuyết là thể loại có sự linh hoạt và những ưu điểm nổi trội trong việc khắc họa cái nhìn cuộc sống so với các thể loại khác. Nếu như truyện ngắn chỉ đem tới cái nhìn về con người trong khoảnh khắc, trong một lát cắt, thì tiểu thuyết đem tới cái nhìn xuyên suốt mọi số phận, mọi cuộc đời, đưa con người vào một thế giới đa chiều rộng lớn, soi chiếu con người ở mọi góc nhìn, để thấy được cả những khoảng tối âm u nhất.
Tìm hiểu sự thay đổi quan niệm về con người qua các tiểu thuyết tiêu biểu của một thời kỳ sẽ đem tới cái nhìn khái quát hơn các thể loại khác, cũng như có thể đánh giá một cách cụ thể và sâu sắc hơn sự thay đổi ấy ở các khía cạnh khác nhau, các bước thăng trầm cũng như so sánh được sự thay đổi ấy giữa các nhân vật một cách phongphú và đa dạng hơn. Tiểu thuyết là bức tranh cuộc sống hiện thực và đầy đặn nhất, đến với tiểu thuyết là đến với cuộc sống được khắc họa theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới được giảng dạy một cách phổ biến trong chương trình Ngữ văn tại các trường Trung học phổ thông, cao đẳng và đại học. Sự đổi mới thể hiện qua nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề, trong đó sự đổi mới, thay đổi trong quan niệm về con người được quan tâm và nghiên cứu sâu rộng.