Câu hỏi nghị luận xã hội chiếm 2 điểm trên toàn bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT. Để đạt điểm cao trong bài nghị luận xã hội 200 chữ, thí sinh phải xác định đúng trọng tâm vấn đề, sử dụng lập luận phù hợp, dẫn chứng phù hợp.
Dưới đây là cách xác định vấn đề, lập dàn ý và triển khai viết đoạn văn bài nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp THPT giúp các em đạt điểm tối đa kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mục lục
Cấu trúc, nội dung cần có trong bài nghị luận xã hội
Về cấu trúc, đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 3 năm gần đây thường yêu cầu học sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày quan điểm xoay quanh 3 chủ đề: Nghị luận về các vấn đề thuộc về tư tưởng, đạo lý; nghị luận vấn đề thuộc hiện tượng đời sống và nghị luận vấn đề xã hội được đặt ra trong văn bản văn học (nghị luận tổng hợp).
Trước hết, học sinh cần nắm chắc vấn đề cốt lõi mà đề yêu cầu, các bước làm bài và triển khai luận điểm, luận cứ rõ ràng.
Sau khi xác định được vấn đề cốt lõi, thí sinh cần xác định dàn ý cho đoạn nghị luận xã hội dài 200 chữ. Mở đầu nên dùng một câu nêu nội dung khái quát và dẫn vào vấn đề, có thể dùng câu nguyên văn hoặc trích từ khóa. Tiếp đó là các bước phát triển đoạn văn.
Đoạn văn cần phát triển theo hướng: Giải thích vấn đề, từ khóa một cách ngắn gọn; phát hiện từ khóa, khía cạnh chính cần phân tích, từ đó tập trung thẳng vào vấn đề để lập luận; dẫn chứng ngắn gọn phù hợp (không lấy tác phẩm văn học).
Cuối cùng, thí sinh cần rút ra bài học nhận thức và hành động và kết đoạn bằng một câu khái quát lại vấn đề.
Ví dụ, trong đề THPT Quốc gia 2020, đề bài nghị luận xã hội như sau: “Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng sự sống mỗi ngày.”
Học sinh có thể viết câu mở đầu: “Trong xã hội hiện nay, việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi chúng ta”.
Thân đoạn với mỗi dạng đề sẽ có cách triển khai khác nhau. Cụ thể:
– Với đề bài về tư tưởng đạo lí: Học sinh cần giải thích các khái niệm, bàn luận về biểu hiện và ý nghĩa vấn đề. Từ đó đưa ra phản đề, bài học nhận thức và liên hệ bản thân.
– Với đề bài về hiện tượng đời sống: Giải thích các khái niệm, thông tin liên quan về hiện tượng, phân tích những mặt tích cực của hiện tượng đó và chỉ ra nguyên nhân. Nếu vấn đề tiêu cực sẽ có nguyên nhân khách quan (từ xã hội, tư tưởng, gia đình,..) và nguyên nhân chủ quan (nhận thức, tâm lý, tình cảm,..).
Cuối cùng, đưa ra ý nghĩa vấn đề, hậu quả, trước mắt, lâu dài và bài học rút ra từ cá nhân với hiện tượng tiêu cực. Với hiện tượng tích cực phải mở rộng vấn đề, liên hệ với bản thân và đưa ra nhận thức về tư tưởng.
Kết bài sẽ là kết luận lại vấn đề đã nêu ra.
Về cách làm bài, để đảm bảo bài viết đúng cấu trúc, đủ ý, học sinh thực hiện theo các bước sau:
– Bước 1: Đọc kỹ đề bài, xác định chính xác vấn đề mà đề bài yêu cầu, gạch chân từ khóa và lựa chọn 1 trong 3 cách viết: quy nạp, tổng phân hợp hay diễn dịch.
– Bước 2: Lập dàn ý bằng cách gạch ra các ý chính sẽ triển khai trong bài viết.
– Bước 3: Dựa trên dàn ý, viết bài hoàn chỉnh, đảm bảo đúng theo cấu trúc nội dung, lối diễn đạt và lập luận.
– Bước 4: Đọc lại bài viết và sửa lại các lỗi sai (nếu cần).
Những lỗi sai thường gặp trong bài nghị luận xã hội
– Về hình thức: học sinh trình bày bài viết chưa đúng với yêu cầu, đoạn văn chưa theo phép lập luận diễn dịch, quy nạp hay tổng – phân – hợp, trình bày sai lỗi chính tả hay không có câu chủ đề,…
– Về nội dung: Lỗi thường gặp nhất là câu văn rời rạc, chưa có sự liên kết mạch lạc và khoa học. Nhiều em viết bài dài dòng, thiếu dẫn chứng cụ thể và đặc biệt không thể hiện rõ thái độ, quan điểm cá nhân, đồng tình hay bất bình trước hiện tượng đời sống, quan điểm, đạo lý,…
Xác định rõ yêu cầu đề bài, trình bày ngắn gọn, đủ ý và có dẫn chứng thuyết phục: Học sinh chỉ cần 2-3 dẫn chứng tiêu biểu, ngắn gọn là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các em lưu ý không sử dụng các dẫn chứng quá cũ, hay dẫn chứng chung chung, thiếu sức thuyết phục.
Các nguyên tắc khi viết đoạn văn nghị luận xã hội
Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp); xác định đúng vấn đề cần nghị luận; sử dụng thao tác lập luận phù hợp (không nên sử dụng hết tất cả thao tác).
Bài viết cần đảm bảo hình thức của đoạn văn: Lùi một ô trước khi viết và không được xuống dòng.
Khi triển khai vấn đề nghị luận cần thể hiện sự hiểu biết, trải nghiệm của bản thân về vấn đề; biết nhìn nhận cuộc sống qua nhiều góc độ, phương diện, từ đó đưa ra ý kiến, quan điểm, giải pháp của cá nhân.
Độ dài cho một bài viết nghị luận xã hội 200 chữ khoảng hai phần ba trang giấy thi, thời gian làm bài chỉ nên 20-25 phút.